Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

NHỮNG TIẾNG CA GIỮA SÂN KHẤU CUỘC ĐỜI

Một chiếc loa thùng, một chiếc micro không dây, bước chân họ không ngừng nghỉ trên những cung đường nơi phồn hoa đô hội, cất tiếng hát giữa sân khấu cuộc đời để mưu sinh.

Một ngày cuối tháng 6, trời Hà Nội nóng như đổ lửa. Thế nhưng không gian xô bồ ấy bỗng trở nên yên ả khi đâu đó cất lên tiếng hát ấm áp từ một gánh hát rong. Người thì lắng tai nghe, người lại lầm bầm cằn nhằn vì bị “làm phiền” bởi những ca sĩ đường phố, cũng không hiếm người mạt sát với những lời dè bỉu, khó nghe.

Bên một quán bia chật cứng khách trên đường Huỳnh Thúc Kháng, một “ban nhạc” 3 người đang hăng say phục vụ những khán giả của mình. Chàng ca sĩ mắt mơ màng ngân nga bản nhạc trữ tình nổi tiếng một thời được nhiều người ưa chuộng: “…Cuộc đời có bao lâu, vài lần đắng cay thôi, coi như mình đã già…”.

Trái ngược với hình ảnh thư thả của chàng ca sĩ, trong lúc đó, bạn anh đang hối hả mang kẹo cao su đến từng bàn để mời khách mua. Người cao hứng thì mua kẹo, bo thêm tiền, người “khó tính” thì xua đuổi, thậm chí mắng mỏ…

Đó là công việc thường ngày của ban nhạc “Hữu Tâm và những người bạn”.


Nơi nào có người nghe, nơi đó là sân khấu…


Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, thi đại học không đỗ, quanh quẩn mãi ở nhà không kiếm được công ăn việc làm, đúng lúc thấy mấy anh ra Hà Nội làm nghề này và có thu nhập khá ổn định nên Tâm cũng quyết theo nghề hát rong.

Đồ nghề của gánh hát đơn giản chỉ có một xe đẩy với chiếc loa thùng cỡ lớn chạy bằng ắc quy và chiếc micro không dây.
Ngày làm việc của nhóm bắt đầu từ khoảng 6 giờ tối. Đồ nghề của gánh hát đơn giản chỉ có một xe đẩy với chiếc loa thùng cỡ lớn chạy bằng ắc quy và chiếc micro không dây. Họ rong ruổi khắp các con phố ở Hà Nội, chỉ cần ở đâu có quán nhậu vỉa hè, có đông thực khách thì ở đó chính là sân khấu. Mải mê hát, mải miết lang thang trên những nẻo đường, ngày làm việc của nhóm thường kết thúc vào lúc đêm muộn, về đến nhà ngả lưng đã vào khoảng 1, 2 giờ sáng.

Nghề hát rong tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng muốn được lòng khán giả thì các nhóm nhạc cũng phải đầu tư khá nhiều công sức. Vì đối tượng khách hướng đến phần lớn là giới trẻ nên các gánh hát rong đường phố phải luôn làm mới mình bằng việc cập nhật liên tục những bài hát đang ăn khách trên thị trường âm nhạc, đồng thời cũng không quên “ủ” sẵn một số bản nhạc vàng hoặc nhạc cách mạng để sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc các giọng ca phải bỏ khá nhiều thời gian để chọn lọc và tập luyện trước ở nhà nếu không muốn bị quên hoặc hát sai lời.

Khi được hỏi về ước mơ, chàng thanh niên 28 tuổi với giọng hát to và khỏe cười ngượng nghịu: “Mình có chút giọng, lại đam mê với âm nhạc, cũng muốn được thử sức trong các cuộc thi hát nhưng điều kiện không cho phép, thôi thì cứ chấp nhận theo đuổi niềm đam mê nhờ gánh hát này”.


Và những “trắc trở” trên đường mưu sinh…


Tâm bảo, công việc này thực ra chỉ là giải pháp tạm thời của những thanh niên thất nghiệp, tuy nhiên nó cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể với bình quân mỗi đêm mỗi người thu được khoảng 300.000 đồng, cộng thêm tiền bo của khách. Do vậy, các nhóm nhạc như của Tâm cũng hình thành ngày càng nhiều, sự cạnh tranh về địa bàn hoạt động của các nhóm cũng khá gay gắt.

Một lần, khi vừa rời một quán bia trên đường Cầu Giấy, nhóm của Tâm bị hàng chục thanh niên chặn đường “dằn mặt” vì dám xâm nhập địa bàn của nhóm khác. Phải khéo léo lắm và hứa “không bao giờ trở lại” thì mới đảm bảo được an toàn cho cả nhóm và quan trọng nhất là bộ loa thùng – cái cần câu cơm không thể thiếu mỗi ngày.

Bên cạnh kỹ năng ca hát, những “ban nhạc” này cũng phải tích lũy khá nhiều kinh nghiệm để xử lý khôn ngoan mỗi khi bị công an “sờ gáy” hoặc gặp những khán giả khó tính, khó chiều. Thậm chí, cuộc sống phiêu bạt cũng đã rèn luyện sự cho họ “cứng rắn”, “chai lỳ” trước những lời chỉ trích, mỉa mai…

“Có thể mọi người nghĩ hát rong là xấu, chẳng khác gì đi ăn xin, nhưng chúng em kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, đâu có cướp giật, xin xỏ ai đâu?”, Tâm chia sẻ.


Hãy mở rộng tấm lòng…


Hát rong là một “nghề không có nghiệp”. Bất kì ai khi chọn công việc này cũng đều có những lí do bất khả kháng, và đôi khi do dòng đời “đẩy đưa”. Ai cũng mong muốn có một việc làm ổn định, nhàn nhã nhưng không phải ai cũng may mắn được học hành đầy đủ, được có cơ hội tiếp cận với việc làm.

Quả thực, khi đánh giá về công việc của mỗi người, chúng ta nên có cái nhìn công tâm hơn đối với những người làm nghề này. Khi ngang qua những “nhóm nhạc” đang say sưa hát ca, nếu không thể chia sẻ thì ta cũng đừng nên dè bỉu hay miệt thị bởi lẽ, khi họ đang kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình thì cũng chính là khi họ xứng đáng được tôn trọng.

Trong cái vội vã, náo nhiệt của cuộc sống, đôi khi người ta quá bận rộn để dừng lại lắng nghe một bản nhạc hay. Vậy thì những “nghệ sĩ đường phố” như nhóm hát của Tâm không chỉ hát để mưu sinh mà còn hát để cống hiến cho cuộc đời những giai điệu đẹp, để mỗi người khi bất chợt nghe thấy một bài ca là khi họ được tĩnh lại và cảm nhận được nhiều hơn những phút giây bay bổng đã vô tình bỏ qua.

Theo Báo Pháp luật và đời sống
 

SÂN KHẤU CA NHẠC ĐANG HƯỚNG VỀ ĐÂU?

Nâng cao tâm hồn hay giải trí? Vì đời sống tinh thần hay là vì tiền bạc? Thời thượng hay vươn tới đỉnh cao? Vay mượn sống sượng hay tiếp thụ tinh hoa để làm giàu bản sắc? Ðâu là lương tâm nghệ sĩ, vai trò nhà quản lý và báo chí?,... Ðó là những câu hỏi đang cần được trả lời khi nhìn vào thực trạng âm nhạc nước nhà, đã và đang xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại...

Cách đây ít ngày trên một tờ báo, bàn về bản quyền tác phẩm âm nhạc, nữ ca sĩ nọ cho rằng: "Xã hội của chúng ta đang phát triển. Nhưng âm nhạc của chúng ta thì đang giậm chân tại chỗ. Ca sĩ, nhạc sĩ rất khổ và tốn kém khi làm ra một sản phẩm âm nhạc. Nhưng vừa ra mắt thì đã tràn ngập trên mạng nên khả năng gỡ vốn là rất khó. Ðiều đó khiến nhiều nghệ sĩ nản lòng không dám đầu tư lớn, chỉ đi hát show, hát bar kiếm tiền, nên âm nhạc Việt Nam ngày càng đi xuống". Thiết nghĩ, điều nữ ca sĩ nói là có cơ sở thực tế, nhưng nếu liên tưởng tới việc chị từng bốn lần vào danh sách "nghệ sĩ ăn mặc phản cảm", năm 2013 bị cơ quan chức năng phạt 3,5 triệu đồng vì "mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam" lại thấy e ngại. Nói cách khác, "nền âm nhạc Việt Nam ngày càng đi xuống" đâu phải chỉ do chuyện bản quyền, chẳng lẽ các sự kiện như xử phạt và "danh sách" ấy lại không góp phần vào đó hay sao!?


Ai cũng biết nghệ thuật vốn rất cao quý.


Hoạt động nghệ thuật đòi hỏi sự vô tư, trong sáng đến tận cùng của người nghệ sĩ, trong suốt cả cuộc đời, thậm chí hy sinh vì nó. Cha ông từng ví người nghệ sĩ như "kiếp tằm rút ruột để nhả tơ" để dệt nên lụa là cuộc sống. Ai cũng biết trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ với tư cách là chiến sĩ đã luôn có mặt ở các chiến trường nóng bỏng để sáng tác và phục vụ. Nhiều người trong số họ đã hy sinh, nhưng đã để lại những tác phẩm bất tử và họ sống mãi trong sự kính trọng, biết ơn của nhân dân. Còn ngày nay? Vai trò của internet và toàn cầu hóa giúp chúng ta tiếp xúc, thụ hưởng nhiều tinh hoa của nghệ thuật nhân loại một cách nhanh chóng; nhưng đồng thời cũng buộc chúng ta lại phải đối diện với "cơn bão của cuộc xâm lăng văn hóa" kiểu mới. Cùng với các mặt trái của kinh tế thị trường, khi người ta đặt đồng tiền và vật chất lên trên các giá trị, thì cơn bão ấy có thể làm lung lay nền tảng đạo đức và các giá trị văn hóa, trước hết là giá trị con người. Từ bối cảnh đó nhìn vào đời sống âm nhạc, ngoài một số thành tựu nhất định, chúng ta lại không thể không thừa nhận hiện đang có một số khuynh hướng đáng quan ngại.

Trước hết, đó là sự "mất lửa", thiếu cảm xúc chân thành, sâu sắc. Nói đầy đủ hơn, ngoài cái riêng của mình hầu như người sáng tác không nắm bắt, không có khả năng làm thức dậy cảm hứng lớn, không nuôi dưỡng, gieo cấy được khát vọng, tình cảm cao thượng, lạc quan vào tâm hồn con người. Ngay cả khi nói về cái tôi, cũng chỉ là cái tôi nhỏ bé, than vãn cho tình yêu. Bằng chứng là tiếng cô đơn, tiếng buồn, tiếng chơi vơi, thậm chí cả tiếng tục tĩu cũng xuất hiện trong nhiều ca khúc. Và sự nhạt nhẽo có mặt ngay cả ở các ca khúc được coi là "hit", ví như: "Anh chỉ đến bên em lúc buồn. Vậy những ngày vui anh về nơi đâu. Anh chỉ đến bên em lúc say. Vì hết say anh ở đâu" (Anh muốn em sống sao), hoặc một ca khúc được ưa chuộng lại hề hài một cách tầm thường: "Bà xã tui number one. Lối xóm ai cũng thương thường hay khen tặng vợ tui. Cứ nói tui sướng ghê vì gặp phải cô vợ hiền. Lo cho chồng cơ cực chẳng than. Yêu thương chồng dù chẳng giàu sang. Nào có ai hết sảy hơn bà xã. Bà xã tui number one, number one, number one" (Bà xã tui number one). Ngày nay, người ta chủ yếu đi xem ca nhạc với sân khấu âm thanh ánh sáng hoành trang hơn là đi nghe ca nhạc. Thêm vào đó là có ca sĩ lên sân khấu dường như ít quan tâm đến việc làm sao phải hát cho hay, mà chú ý đến trang phục và làm thế nào thật nóng bỏng, thật gợi cảm. Rồi gào, rồi hú hét và nhảy nhót. Lười nhác thì nếu có cơ hội, họ không ngại "hát nhép" để lừa người nghe. Rất ít người hát bằng rung cảm từ bên trong mà lên sân khấu hát như hát cho xong "suất", để còn chạy kịp theo "sô" khác!

Kế đến là hội chứng "sao" và những "điểm đen" trên bầu trời nghệ thuật. Trở thành ngôi sao, trở thành Diva là khát vọng đáng trân trọng của ca sĩ. Nhưng bản chất, mục đích của nghệ thuật không phải vì mục đích của riêng nghệ sĩ. "Sao" hay Diva là sự tổng kết về tài năng và trình độ nghệ thuật, là thành tựu trong hoạt động của nghệ sĩ và được công chúng thừa nhận. Nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND là rất vinh dự. Nhưng trước đây khi chưa có việc phong tặng, vẫn có nghệ sĩ thật sự được nhân dân quý trọng, và tên tuổi họ được hậu thế lưu danh. Rồi khi mà danh sách NSƯT, NSND ngày càng nối dài thì có tình trạng không phải người nào cũng được công chúng biết đến, vì thế có lẽ phải đặt câu hỏi: Phải chăng đang có cuộc chạy đua hình thức, khiến khoảng cách giữa "danh" và "thực" trở nên quá xa? Nếu từ một số lĩnh vực xã hội xuất hiện hiện tượng giải thưởng lớn nhưng công trình thiếu ý nghĩa thực tiễn (nếu không nói vô bổ), học hàm, học vị cao thì nhiều, nhưng người giỏi thì ít,... nhìn vào âm nhạc, lại thấy có học sinh đoạt một chút giải gì đó về âm nhạc đã ngỡ mình là "sao", lập tức bỏ học để đi hát và rồi hét giá theo "sao". Người viết bài này từng biết về một, hai ca sĩ được quê hương ưu ái cho đi học, vừa đi thi được cái giải là lập tức họ đòi cát-xê hàng chục triệu đồng. Nghĩa là khi đã coi mình là "sao" thì họ thoát ly tất cả. Mà vì họ là "sao" nên cát-xê tại Việt Nam cũng có giá trên trời, như báo chí đưa tin một "danh hài" có giá "sô" diễn tới 100 triệu đồng, ca sĩ nọ đi hát đám cưới ở tỉnh là 15.000 USD, ca sĩ khác khoảng 6.000 USD, tham dự một sự kiện hát một vài bài cũng khoảng từ 20 đến 50 triệu đồng... Nghĩa là, cứ theo bước chân biểu diễn của một số người thì đời ca hát chỉ còn gắn chủ yếu vào màn hình, đám cưới, phòng trà, sự kiện có thuê mướn!

Khi đồng tiền có thể chi phối đời sống nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, thì người có tiền thường không quan tâm nâng đỡ nghệ thuật, mà chủ yếu sử dụng nghệ thuật để đánh bóng mình. Tại một số cuộc thi lớn, logo doanh nghiệp từ sân khấu đập vào mắt người xem và buộc họ phải tự hỏi: Nếu không có logo kia thì chương trình diễn ra hay không? Và đương nhiên, không ít điều thiếu lành mạnh đã xảy ra. Ðể rồi, có ca sĩ khi gọi là "sao" lại đi lừa đảo, đánh bạc, ăn chơi xa hoa. Lại có người có hành vi phản cảm như "hôn môi nhà sư", văng tục trên mạng và trong cả một số bài trả lời phỏng vấn, đùa giỡn trên ghế nóng... Khi đã có "sao" lơ lửng thì báo chí ca ngợi lên mây xanh. Có báo điện tử, trang điện tử hầu như chỉ làm một việc là chạy theo các "sao" như chạy theo "vĩ nhân". Phần lớn địa chỉ này hiện đều dành chuyên trang, chuyên mục cho "sao". Ca sĩ mới có chút năng khiếu, chỉ được một hai "giải thưởng" là được tâng bốc thành tài năng siêu việt. Rồi người ta viết báo để phân tích trình độ nghệ thuật của họ thì ít mà nói chuyện ăn mặc, eo ót, yêu đương, tình cũ tình mới thì nhiều, cơ hồ như là đối với họ thì không còn chuyện gì khác! Việc làm này chỉ đưa tới hệ lụy là giúp đẩy nhanh các "sao" ra khỏi bầu trời nghệ thuật, rốt cuộc chỉ thỏa mãn người đọc hiếu kỳ hóng chuyện giật gân ồn ào này được một vài tuần, rồi lại chuyển sang hóng chuyện giật gân ồn ào khác!

Và nổi lên trong các điều cần quan tâm của đời sống âm nhạc là xu hướng chuộng ngoại, lai căng; phổ thông lấn át bác học. Theo nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, nếu kể từ bản giao hưởng Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Việt (1960) thì số tác phẩm khí nhạc của Việt Nam có lẽ cũng gần đến một nghìn. Ngoài một phần nhỏ đã được sử dụng và đem lại niềm tự hào cho âm nhạc Việt Nam như Lý hoài nam, Ngày hội non sông của Nguyễn Văn Thương; Vũ khúc Tây Nguyên, Mùa xuân trên rừng của Ðỗ Nhuận, Vì miền Nam của Huy Thục, Vũ điệu đêm rằm của Hoàng Cương... thì hầu hết đang còn nằm trong ngăn kéo của nhạc sĩ, hoặc đã mất mát. Một sự mất cân đối khác là âm nhạc bác học hay âm nhạc nghệ thuật (art music) lại đang bị lấn át trước âm nhạc phổ thông (popular music). Ðiều này một phần xuất phát từ trình độ nhạc sĩ, ca sĩ và công chúng chưa được nâng cao; nhưng chủ yếu do tác động của quan niệm đề cao tính giải trí của nghệ thuật, của quan niệm coi "khách hàng là thượng đế". Ðó là điều đúng trong kinh doanh, còn nghệ thuật lại vừa phải "nương theo thượng đế", vừa phải "tạo ra thượng đế". Rồi nữa là trong một số chương trình ca nhạc, trong khi ca sĩ líu lo tiếng Anh, thậm chí lấy nghệ danh Tây, lại có chương trình có tên gọi toàn Tây như In the spotlight (Trong ánh đèn sân khấu), The Voice (Giọng hát). Không rõ khi đặt tên chương trình như vậy, người ta thấy tiếng Việt không có khả năng diễn tả điều người ta muốn mang đến với công chúng, hay tiếng Việt lại kém cỏi hơn tiếng Anh? Nhà thơ Huy Cận từng tâm sự: Hồi chúng tôi học trường Tây, thèm được học tiếng Việt, nói tiếng Việt mà không được. Phải đấu tranh dữ lắm, kể cả chấp nhận bị đuổi học để được học Việt văn. Không có gì thiêng liêng hơn tiếng mẹ đẻ. Mà tiếng Việt ta rất hay, cần phải làm giàu nó, đừng phá hỏng nó... Trong một lần nghe các ca sĩ Việt hát ca khúc Tây, nhảy như Tây, một nhà văn châu Âu khẽ nói với tôi: "Nếu cái bạn bắt chước người ta thì không bao giờ bằng được. Tôi muốn các bạn cho tôi thấy cái riêng của các bạn" và phải thừa nhận người bạn nước ngoài nói có lý.

Giải trí hay nâng cao hồn người? Vì đời sống tinh thần hay vì tiền bạc? Thời thượng hay vươn tới đỉnh cao? Dùng cái vay mượn hay tiếp thụ tinh hoa làm giàu bản sắc? Ðâu là lương tâm nghệ sĩ, vai trò nhà quản lý và báo chí? Ðó là những câu hỏi đã đến lúc phải trả lời nghiêm túc. Vì không thể để nghệ thuật bị thao túng, không thể để cho công cụ truyền thông của Nhà nước bị lợi dụng. Và để trở thành nghệ sĩ lớn, ngoài năng khiếu, thì không có cách nào khác là phải suốt đời lao động, khổ luyện, trau dồi nhân cách, đặt cống hiến lên trên tất thảy. Không có nghề nghiệp nào đòi hỏi sự tự nguyện, vô tư như nghệ thuật; không có nghề nghiệp nào tác động mạnh mẽ và sâu sắc vào tâm hồn con người như nghệ thuật. Và để làm được nghề cao quý đó, trước hết phải có tâm hồn cao quý.

Theo báo Nhân Dân

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

CUỘC THI TÀI NĂNG TRẺ DIỄN VIÊN SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG NĂM 2104

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc 2014 (do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VH,TT&DL tỉnh Cần Thơ tổ chức) diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 20 đến 26/6 đã kết thúc và một lần nữa chỉ ra thực trạng đáng buồn của sân khấu ca kịch truyền thống nước nhà hiện nay.

Với hơn 90% tiết mục dự thi thuộc về sân khấu cải lương trong khi bộ môn dân ca kịch chỉ có duy nhất Đoàn Nghệ thuật Bài chòi Bình Định với 6 thí sinh, cuộc thi mang tầm quốc gia này bỗng trở thành “giải thưởng Trần Hữu Trang mở rộng”.

Thiếu hụt tài năng

NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, cũng là thành viên ban giám khảo, cho biết bản thân ông đã làm việc với nhiều đoàn dân ca kịch trên cả nước và việc thiếu hụt lớp trẻ kế thừa là thực trạng chung. Còn với sân khấu cải lương thì có muốn đòi hỏi thêm cũng khó vì lực lượng hay năng lực cũng “chỉ có thế mà thôi”. Nghĩa là những “gương mặt thân quen” qua hàng loạt cuộc thi, liên hoan sân khấu lẫn hội diễn cũng như thường trực phủ sóng các đài truyền hình như: Hồ Ngọc Trinh, Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Lê Ngọc Quyền… vẫn xuất hiện với những màn trình diễn “vẫn vậy”. Trong khi đó, sự kỳ vọng của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn lại là sự “lên tay nghề”, sự tiến bộ về khả năng ca diễn, bản lĩnh sân khấu của những nhân tố từng được xem là niềm hy vọng mới của sân khấu cải lương. Mà cũng khó trách vì: “Thế hệ các nghệ sĩ lớn ngày xưa được rèn nghề trên sân khấu hàng đêm. Còn diễn viên trẻ bây giờ đâu còn sân khấu để hát, đâu có điều kiện học hỏi, luyện tập thường xuyên. Như tôi dựng tuồng cho các bạn diễn chương trình Ngân mãi chuông vàng của HTV, tập tành, “bẻ chân bẻ tay” cả tháng trời, sau đó diễn một đêm rồi thôi. Vài tháng sau gặp lại cũng đâu lại vào đấy, những gì mình đã hướng dẫn cũng không còn đọng lại mấy” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, cũng nhận xét: “Theo dõi xuyên suốt cuộc thi, tôi thực sự rất xúc động trước sự say nghề, những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hạn chế để bám trụ với nghề của các diễn viên trẻ. Tuy nhiên những nhân tố nổi bật, có tố chất ngôi sao để cuốn hút khán giả thì vẫn chưa có”.

Khi dấu ấn đạo diễn che mờ tài năng

Những năm qua, sân khấu cải lương trong nỗ lực cách tân về hình thức nhằm mang đến những cảm xúc mới lạ cho khán giả đã dần rơi vào “chủ nghĩa hình thức” với việc lạm dụng những mảng miếng dàn dựng, bày ra một sân khấu với âm thanh ánh sáng hoành tráng, tưng bừng, nhiều chiêu trò mà làm nhạt nhòa chính bản sắc của nghệ thuật cải lương. Hai kỳ hội diễn vừa qua (2009 và 2012) đã thể hiện rõ rệt xu hướng này khi nhiều đơn vị chọn phong cách dàn dựng hoành tráng, lễ hội cho vở tuồng dự thi.

Các mùa giải Trần Hữu Trang gần đây, mặc dù tiết mục dự thi của thí sinh chỉ gói gọn trong 15 - 20 phút nhưng cũng không thiếu những màn múa minh họa với cờ xí, lá hoa, những màn bưng bê tạo hình cho nhân vật trên cao… Ở cuộc thi lần này cũng vậy, thậm chí ở nhiều tiết mục dàn dựng của đạo diễn còn lấn át cả phần biểu diễn của thí sinh. Các thí sinh thay vì tập trung bộc lộ khả năng ca diễn của mình lại bị phân tâm nhiều cho những động tác hình thể, cho sự phối hợp với các mảng dựng sân khấu. Ví dụ trường hợp của các thí sinh: Huỳnh Mơ với trích đoạn Cờ nghĩa giồng SơnQuy, Ngọc Quyền và Thanh Nhường - Sáng mãi niềm tin, Trần Phương Trang - Kẻ sĩ Thăng Long, Bùi Thị Dung - Cung phi Điểm Bích… Và cái khán giả muốn thưởng thức nhất chính là giọng ca ngọt ngào và diễn xuất tinh tế của người nghệ sĩ cũng không thể trọn vẹn khi phải cố hiểu ý đồ dàn dựng của đạo diễn…

Và cũng như bao cuộc thi hay liên hoan hội diễn “đến hẹn lại lên”, những huy chương đã có chủ nhưng tương lai sân khấu cải lương hay nghệ thuật dân ca kịch nước nhà vẫn còn là một niềm trăn trở lớn khi cuộc thi dù diễn ra trên đất Tây Đô (quê hương của một trong những gánh hát cải lương đầu tiên) mà vẫn chỉ có người trong nghề tự xem với nhau!

Theo Báo Thể thao văn hóa

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

CÁCH ĐIỀU CHỈNH ÂM THANH CHO CÁC SỰ KIỆN

Kiến thức cơ bản về điều chỉnh âm thanh cho các show diễn ca nhạc sự kiện


Về mặt chuẩn bị thiết bị:


1. Mỗi căn phòng to nhỏ đều có 1 vài tần số riêng dễ cộng hưởng với âm thanh phát ra từ loa, làm cho âm thanh ở một tần số nào đó bị hú và đó là 1 trong những nguyên nhân chính của hiện tượng (ù,hú ) feedback. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của người chỉnh âm thanh đó là lúc cài đặt thì phải tìm ra những tần số đó và hiệu chỉnh trên EQ trước khi trình diễn.

2. Mỗi bộ loa hay Micro đều có sơ đồ đáp tuyến khác nhau, khiến âm thanh to nhỏ khác nhau ở tần số khác nhau. Không thể có những bộ loa hay mic có sơ đồ đáp tuyến bằng phẳng tuyệt đối cả (Loa Monitor dùng trong phòng thâu thể hiện âm thanh tương đối bằng phẳng, trung thực nhất và cũng đắt tiền hơn loa của những bộ dàn Hi-fi). Thường thì loại loa không tốt sẽ ra âm bass và treble yếu nhưng Middle lại mạnh. Điều này cũng khá quan trọng và cũng là 1 nguyên nhân của hiện tượng feedback (chủ yếu nằm ở tầm middle gần bass 250Hz - 750Hz). Màng loa to thì thể hiện bass tốt hơn, kể cả những âm thanh trầm nhất, ngược lại loa nhỏ thì âm treble rõ hơn.

3. Âm Bass vì lí do bước sóng dài nên phát ra được ở 1 khoảng cách xa cho nên người ngồi ở xa vẫn nghe đủ tiếng Bass, vì vậy người ta chỉ cần tìm vị trí đặt loa bass sao nghe hay là được. Âm Bass mang nhiều năng lượng cơ học và thường được để sát đất hoặc tường, đề truyền âm qua vật chất chứ không nhất thiết qua không khí. Loa cho âm Treble thường có tính chất định hướng cao nên cách sắp xếp loa tốt là khi mọi người ngồi ở vị trí nào cũng phải trông thấy loa là tốt nhất. Nếu phòng có chiều dài lớn người ta có thể đặt thêm bộ loa khác để hỗ trợ người ngồi đằng sau nghe rõ hơn.

4. Việc người ngồi chính giữa thường bị nghe thiếu âm hoặc lớn quá là thường thấy do hiện tượng khử âm và cộng hưởng do âm thanh cùng tần số và cùng pha (hoặc lệch 180°) phát ra từ 2 hay nhiều hướng. Điều này cũng giống như hiện tượng giao thoa của sóng ánh sáng hay sóng trên mặt nước. Âm thanh lệch pha thì sẽ tạo nến tiếng nhẽo hay rít nhỏ và gây khó chịu khi nghe lâu, điều này nhiều người không chú ý.

5. Công suất của loa và bộ khuếch đại là một chỉ số quan trọng khi xác định độ đảm bảo về chất lượng âm thanh khi chơi live. Do tính chất khuếch đại cơ bản mạch bán dẫn là không thẳng (ko đều) nên khi âm thanh đầu vào hoặc ra vượt quá 1 ranh giới nào đó thì những bộ khuếch đại sẽ bắt đầu làm hỏng tiếng, tiếng sẽ bị rè hoặc mất hẳn 1 vài tần số nào đó. Chính vì vậy người ta luôn đầu tư để sắm 1 bộ khuếch đại công suất càng lớn thì độ đảm bảo âm thanh không hỏng lớn hơn, tỉ lệ thuận với khích cỡ phòng. Cũng giống như bộ khuếch đại, màng loa cũng chỉ có giới hạn nhất định về công suất và cũng dễ làm hỏng tiếng khi quá ngưỡng. Chú ý: biểu dễn live với nhiều nhạc cụ và mic thì công suất đỉnh cao (peak) luôn lớn hơn nhiều khi chơi tập dượt và hiện tượng bị hỏng tiếng cũng dễ xảy ra hơn.

6. Nói đến việc setup âm thanh live ai cũng biết DI-box, một thiết bị quan trọng để kết nối giữa nhạc cụ, mic với Bộ trộn âm mà không gây thất thoát về chất lượng tín hiệu. Những điểm quan trọng của DI-box:

- Tín hiệu khi truyền qua 1 quãng đường dây dài không đồng trục (asymmetric) thì càng bị kém chất lượng đi (do tính chất sản sinh từ trường của dòng điện xoay chiều của tín hiệu) đặc biệt ở tần số thấp và mức tín hiệu cao, dễ sinh ra tiếng rồ thấp "krrr" (harmonic distortion). DI-box chuyển tín hiệu từ dây asymmetric (thường cắm từ nhạc cụ) thành đồng trục symetric (XRL) và có thể đảm bảo chất lượng khi dẫn đi xa tới bàn mixer (thường qua dây Multicore với nhiều dây XRL).

- Chênh lệch tổng trở giữa các nhạc cụ, mic và giữa các loa khác nhau là 1 trong số những nguyên nhân quan trọng làm cho âm thanh của các nhạc cụ hay mic thường cái to cái nhỏ, gây nhiều rắc rối khi chỉnh live (làm phải thường xuỵên chỉnh lại độ Gain của mạch tiền khuếch đại khác nhau). Vì vậy để có tổng trở thống nhất người ta thuờng cắm nhạc cụ và mic qua DI-box.

7. Mic tốt là Mic không thu những tạp âm ở xung quanh vào mà có tính định hướng cao. Mic Dynamic (dùng cuộn dây điện động) không thu trung thực ở mọi tần số, nhưng dễ dùng và không quá nhạy cảm như Mic Condenser (tụ điện). Ngược lại Mic Condenser lại thu được cả những âm tần thấp và cao, tuy nhiên cũng đắt hơn vì chế tạo khó và thường có tính đa hướng. Mic Condenser thường được dùng trong phòng thu, bộ trống, hay thu âm tổng thể của 1 khu vực nào đó. Vì nó quá nhạy cảm với va chạm nên không thích hợp cho ca sĩ cầm trêb tay. Mic Condenser phải cần 1 nguồn phụ phantom (thường là 48V) để cho mạch fet bên trong họat động. Mic tốt và dở có thể chênh nhau về giá cả rất lớn. Những Mic than của điện thoại xưa không thể nào dùng để trình diễn hay thu âm được. Mic Piezoelectric (thạch anh) nay ít dùng, đôi khi được gắn trên đàn ghita, thu âm dựa vào dao động trên mặt đàn và có tổng trở cao.


Về việc cân chỉnh trên bàn mixer (mixing console):


1. Giọng hát của mỗi người mỗi khác, người hát to khỏe, người hát ít hơi, người thì bass và middle rõ (thường với đàn ông), người thì chỉ nghe thấy âm treble (thường là phụ nữ) cho nên nhiệm vụ của người chỉnh âm thanh là điều chỉnh sao cho giọng của mỗi người đều rõ ràng, đầy đủ dải tần mà không đánh mất chất giọng riêng. Chỉnh cho rõ ràng thì ai cũng có thể nhận ra, tập luyện và làm đc, còn chỉnh cho cân đối về âm tần thì có vài điểm quan trọng sau:

- Giọng hát với nhiều âm bass và Middle luôn giúp thể hiện sức truyền đạt cao, gây tác động mạnh tới tâm lý người nghe. Vì vậy ai có sở hữu giọng hát như vậy thì rất có lợi, người chỉnh chỉ cần thêm chút treble để giọng hát thêm hấp dẫn. Nhiều Middle hay Bass quá đều dẫn đến feedback, vì vậy đôi khi người ta chỉnh âm tần này nhỏ xuống nếu quá mức.

- Giọng hát với nhiều âm treble thì tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, êm ái, và thể hiện tiếng hát trong trẻo, thường được phụ nữ sở hữu. Tuy nhiên khi nghe cả buổi thì sẽ cảm thấy nhàm chán. Vì vậy người ta nên thêm chút Middle và Bass để tiếng hát đầy hơn. Chú ý là người nào giọng the thé thì có cho thêm bao nhiêu Mid và bass cũng ko đủ vì tín hiệu thu đâu có âm tần đó để khuyêc đại, điều này dễ gây thêm tiếng feedback ngẫu nhiên.

- Ngoài âm treble của giọng hát ra người có kinh nghiệm sẽ nhận thấy âm thanh ở tần số cao hơn thông thường một chút (đặc biệt 1kHz trở lên) sẽ làm cho giọng hát trong trẻo hơn nữa mà không gây ảnh hưởng tới chất giọng cơ bản. Thêm nữa, ở những giải tần đó những loa lớn phát ra thường thiếu hụt nhiều, cho nên đẩy EQ tổng của Mic ở giải tần này làm cho giọng hát hấp dẫn hơn. Ví dụ cụ thể: nghe giọng ca  của các ca sĩ nữ, tần số 1kHz thường được người nhận ra rõ hơn tần số còn lại và có cảm giác lớn, hơn mặc dù cùng mức với tần số khác.

2. Cần phân biệt 2 hiệu ứng Echo và Reverb. Trong khi Echo giả tạo tiếng vọng lại như trong hang động, với thời gian dài hơn (1 đến vài giây), còn Reverb/delay thể hiện tiếng ngân, 1 hiệu ứng tương đối quan trọng để tại nên giọng hát hay âm thanh nhạc cụ thêm truyền cảm và có độ sâu giúp người hát đỡ tốn sức hơn. Phần lớn những bộ Karaoke thường có hiệu ứng Echo, nó không giúp giọng hay hơn nhưng người hát ngắn hơi cảm thấy yên tâm hơn; tuy nhiên nhiều Echo quálàm cho âm thanh thiếu rõ ràng vì sự lặp lại và đè lẫn nhau. Vì vậy tránh dùng Echo khi chơi live. Các yếu tố để điều chỉnh Echo và Reverb là Depth (độ sâu), Rate (độ lớn), Pre-delay time (thời hằng sớm hoặc trễ).

3. Compressor và Limiter là 2 hiệu ứng rất quan trọng cho một buổi trình diễn. Vấn đề là nhạc cụ hay giọng hát luôn to nhỏ khác nhau, lúc mạnh nhẹ, lúc xa gần cho nên người ta thường dùng Compressor để hạn chế tín hiệu khi tới 1 mức đã định sẵn. Âm lớn quá sẽ được nén xuống, nhỏ thì được giữ nguyên hoặc nâng lên. Hiệu ứng này giúp nhiều cho việc cân chỉnh âm thanh. Tuy nhiên nhiều quá sẽ làm mất đi tính động thực (dynamic) của âm thanh. Người ta có thể chọn nén ở nhiều dải tần khác nhau (bass, middle, treble) để kiểm soát được hiệu quả hơn hiệu ứng này.

Còn hiệu ứng Limiter giúp cho âm thanh không vượt quá 1 ngưỡng nào đó, tránh những hiện tượng quá tải (overcontrol) gây feedback hoặc bị hỏng tiếng (vượt quá mức tối đa của tín hiệu chuẩn 0dB) đối với những thiết bị xử lý bằng kỹ thuật số.

Compressor và Limiter tốt thường đắt tiền, và được đặt trước bộ công suất, hoặc qua đường send-return hay insert cho từng nhạc cụ trên bàn mixer.


Nguồn : Sưu tầm

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

TIẾNG HÚ, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH SỬ LÝ

Các bạn đi làm show AT chắc sợ nhất là cái pan khó trị này. Vậy tiếng hú là gỉ? Tại sao phát sinh ra nó? Chúng ta hãy tìm nguyên nhân và tìm cách xử lý nó. Các thiết bị chuyên dùng để xử lý pan này thì rất nhiều, nhưng hãy để đến phần cuối cùng hãy nói tới. Trị pan thì phải chữa từ gốc, cũng như trị bệnh tật vậy, chứ cứ đau đâu, hư đâu, thì sửa đó thì làm sao mà hết được.
 

Nguyên nhân


Xuất xứ tiếng hú là ở các thiết bị thu được âm thanh như microphone hay các bobin của đàn guitar điện. Khi micro được nâng quá một ngưỡng độ nhậy nhất định, nó sẽ nghe và thu được AT của chính nó phát ra, nó lại khuếch đại thêm lần nữa, rồi lại thêm nhiều lần nữa, mỗi lần một lớn hơn cho tới khi đạt peak (đỉnh) công suất của ampli. Quá trình tuần hoàn này gọi là loop feedback. Vì giải tần phát ra không tuyến tính nên chỉ có giải nào vượt trội mới bị feedback thôi, và như thế tất cả mọi giải tần đều có thể bị chi phối cả. Feedback ở tần số cao, nôm na gọi là “rít”, “rét”, thấp hơn ở lo-mid là “um”, và cuối cùng ở bass thì “ụt”, “ùm”. Nhớ để ý phân biệt với tiếng “ù” của điện lưới xoay chiều 50 Hz xảy ra khi thiết bị hư hỏng hoặc dây tín hiệu bị hở mạch. Bây giờ, ta hãy phân tích từng pan một.
 

Phân biệt và khắc phục


Pan đầu tiên là ở chính cái micro. Microphone dùng cho PA đều phải là loại tốt, thông thoáng, không bị bít hơi. Trên đầu micro sau màng nhún đều có những lỗ thoát hơi. Nếu những lỗ này bị bịt thì chắc chắn sẽ bị feedback, vì AT thu được sẽ bị cộng hưởng dội ngay trong micro. Nhiều ca sĩ dỏm cứ nhè những lỗ này mà bóp, bịt, soundman chết là cái chắc. Tuyệt đối không nên lấy micro của thu âm xử dụng cho live show. Chủng loại này vì cần thu direct cho nên hầu hết không thiết kế lỗ thoát hơi.
Micro dùng cho SK chuyên nghiệp thì phải đủ giải tần tuyến tính để khỏi phải chỉnh sửa âm sắc nhiều (sẽ nói ở phần sau). Khi đặt micro thì phải đặt ở hướng nào nó ít nghe thấy AT nhất, tránh đặt ở chỗ dễ cộng hưởng âm thanh như trước bức tường, góc khuất v.v. Loa monitor phải cố định ở vị trí đúng nhất, không hướng thẳng vào micro. Khi ca sĩ hát tới đoạn nghỉ thì nên lẹ tay tắt micro đó đi, phòng trường hợp ca sĩ này mỏi tay sẽ đưa micro hướng thẳng vào loa monitor. Micro Shure series Beta có thêm một cuộn dây ngược phase để giảm thiểu feedback.
Kế tiếp đến phần khuếch đại. Nếu hệ thống thiết bị của bạn đạt chuẩn, bạn set tất cả thiết bị về vị trí 0dB, không nâng hoặc giảm bất cứ một effect nào, những thiết bị không phải loại chỉnh sửa âm sắc tạm thời cho bypass. Rồi bạn cho chạy test thử, nếu như vậy mà bạn nghe được tốt thì hệ thống của bạn quá hoàn hảo, sẽ không bao giờ có feedback xảy ra, vì ở chế độ này các micro bị khống chế ở độ nhạy rất thấp, có đặt trước loa cũng không sao. Nhưng thực tế, khó có hệ thống nào được như vậy nên bạn phải chỉnh sửa. Nào! Hãy coi bạn thiếu cái gì nhé.
Nếu thiếu về âm lượng, không đủ nghe thì bạn đã thiếu công suất của ampli và loa rồi, nếu cứ xử dụng tạm bằng cách nâng biến trở, nhiều quá thì chắc chắn sẽ sẽ bị feedback. Vậy trước hết, bạn cần tăng cường thêm phần công suất và loa tương ứng toàn bộ cho đến khi đủ nghe, càng dư thì càng tốt.
Tiếp theo, cứ như thực tế, bạn cứ chỉnh sửa âm sắc theo kinh nghiệm của mình, micro và cả phát nhạc nữa. Phần tone trên mixer, các bands của equalizer và các thiết bị phụ trợ khác, nếu có bị feedback thì giảm công suất nhỏ lại và hoàn thành việc chỉnh sửa của mình đến mức tốt nhất mà bạn có thể làm được. Và khi xong bạn coi lại hệ thống của mình xem sao.
Xét trên EQ, band nào bạn thấy đã chỉnh giảm dưới mức 0dB thì giải tần đó dư, tạm thời bỏ qua. Giải nào phải nâng thì coi như bị thiếu công suất cho giải tần đó. Giới hạn cho việc nâng giải khoảng 3dB, nếu quá giá trị này bạn phải bù đắp cho công suất riêng ở giải đó. Nếu có band nào bị vượt quá +10dB là bạn phải cần công suất lên ít nhất gấp đôi mới đủ bù cho hệ thống. Số dB này tính tổng cộng tất cả các tone bạn đã nâng trong hệ thống (như tone của của mixer cũng phải tính vào).
Đến đây chắc bạn đã hiểu rằng: Khi bị feed back ở bất cứ giải tần nào thì hệ thống của bạn đã bị “thiếu” chứ không phải “dư”. Nhiều bạn nghĩ khi chỉnh sửa, ta hay cắt những giải hay bị feedback, như thế thì phải là dư, có dư mới cắt chứ. Hoàn toàn sai lầm rồi bạn ơi, vì khi cắt, ta mới chỉ mới trị chứ chưa sửa gì cả.
Tôi xin thí dụ cho các bạn một trường hợp điển hình: SK ca nhạc Lan Anh ở SG, khai trương vào đầu năm 2001. Nơi này xử dụng loa Klipsch và ampli Kind. Không biết ông nước ngoài thiết kế ra làm sao mà giao hàng (tôi nhớ hình như) là 16 cặp full-range 12” mà chỉ có 2, 3 cặp lo-mid 15”. Kết quả là từ khi khai trương, bị feedback giải lo-mid trầm trọng, sáu tháng sau vẫn còn. Đấy là họ có đồ chơi rất đầy đủ nhé, không thiếu một món gì, mic dùng toàn Shure Beta87 chống feedback, soundman (bạn tôi) là một trong những người loại Top TP. Khi soundcheck, tôi đã phát giác ra sai lầm rồi, nhưng vì giao theo hợp đồng với công ty, không sửa lại được.
Trở lại vấn đề chính, nếu phải tăng công suất, thì có bạn nói hao tài chính quá. Nhưng đó là điều kiện ắt có và đủ để kiện toàn hệ thống AT của bạn. Vả lại, bạn chỉ tăng thêm một phần nhỏ, không phải toàn bộ. Trường hợp bất đắc dĩ, túi tiền hạn chế, khả dĩ bạn chỉ tăng thêm phần loa cho giải nào thiếu cũng tạm được. Thí dụ thùng loa full range, nhiều loại loa, bạn chỉ cần thêm loại loa nào thiếu, đóng thùng riêng, đấu parallel với loa chính của bạn, nhớ phải có crossover chính xác cho nó. Xử dụng nhiều thùng loa thì nên làm một way riêng, thêm ampli đi kèm đồng bộ.
Còn một cách nữa, ít hao xu hơn. Đó là bạn hãy giảm độ nhậy của micro, không cho nó thu được những tạp âm nữa. Việc này hơi phá cách, không đúng căn bản: Bạn giảm gain ở những tầng khuếch đại đầu (như send và fader của mixer), mỗi thứ một ít, rồi từ từ nâng những tầng sau (như ampli) cho đến khi công suất trước sau ngang nhau, sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. Cách này chỉ áp dụng được cho SK ca nhạc, ca sĩ hát thật gần micro. Kịch nói thì khác, cần độ nhậy, nên làm ngược lại, mở đầu, khóa đuôi.
Hệ thống AT của bạn phải hoàn toàn thông suốt, không bị tắc nghẽn ở chỗ nào cả. Bạn nên để ý check lại những thiết bị plug-in đã trang bị. Những thứ này, cái nào đấu nối tiếp rất quan trọng, cái nào đấu song song như effect thì bỏ qua.Check coi tổng trở tín hiệu in out có phù hợp hay không. Lọt vào một cái không phù hợp (như lấy thiết bị của Hifi, hay đồ TQ) là nghẽn ngay. Và thiết bị khác hãng sản xuất với nhau cũng chưa chắc đã phù hợp (chuyện này thì tôi đã bị thương đau rồi). Muốn test, rút 2 cặp jack XLR3 của thiết bị đó ra và cắm lại với nhau (không được bấm bypass, vì vẫn còn pre-amp), sẽ biết ngay là dùng có tốt không. Tín hiệu chạy trơn tru, bạn không phải nâng gain lên vì tắc nghẽn, micro không có độ nhậy, làm sao mà feedback được.
Nói tới kịch nói mới nhớ, tôi đã thiết kế một hệ thống AT cho SK kịch SàiGòn, rạp Vinh Quang năm 99. Thiết bị rất đơn giản: Mixer 24 Chls, EQ 2031, Feedback destroy đều của Behringer (tôi bán demo Behringer đầu tiên cho B. Dương), 2 ampli Crest-Audio, 2 cặp loa JBL, 935 cho mặt tiền, 925 cho phần sau. Xử dụng tất cả 8 micro Toa wireless. Soundman chỉ cần mở hết 8 micro rồi đi ngủ cũng được. Diễn viên nào ra chỉ cần bật switch micro rồi cứ tự nhiên diễn, ra hết 8 cái cũng không sao. Chỉ sợ có khi, ngoài kịch bản, diễn viên ôm nhau làm micro cộng hưởng mà thôi. Có sẵn feedback destroy mà cũng không cần xử dụng. AT lớn tới mức diễn viên trên SK cũng nghe lớn hơn họ đang nói, nên khỏi cần loa monitor, mà khán giả lên tới 600 người, đâu có ít. Rút kinh nghiệm lần đó, tôi mới biết AT đủ giải tần và thông suốt quan trọng đến ngần nào.
Bây giờ bàn tới cách trị cấp thời. Nếu thiết bị của bạn đơn giản thì làm theo cách xử lý rừng sau đây: Khi AT bắt đầu chớm bị feedback, bạn hãy lẹ tay kéo fader master cùa mixer xuống hết rồi đẩy lên ngay, nhưng không bằng mức cũ. Thí dụ đang ở 10, kéo xuống 0 rồi đẩy lên 9,5. Nếu chưa hết thì lại kéo xuống rồi lên 9, chừng nào hết thì thôi. Cách này, nếu lẹ tay thì không ai biết đã bị mất AT một khoảnh khắc, ngoài bạn. Âm lượng của AT dù có nhỏ đi một chút nhưng còn đỡ hơn hàng trăm cặp mắt đang nhìn bạn chăm chăm.
Nếu bạn có EQ thì dễ dàng hơn, chỉ cần nghe feedback ở giải tần nào thỉ cứ nhè fader của giải đó mà cắt cái bụp. Chỉ có khó là không biết ở đâu thôi. Một vài loại EQ như Behringer có thêm đèn LED báo Feedback (FBQ) trên cần gạt từng band nên rất tiện. Khi feedback, chỉ cần thấy đèn báo sáng chỗ nào thì kéo xuống, rất đơn giản.
Feedback destroy là thiết bị chuyên dùng như tên gọi, có thể tự động dò giải tần feedback dùm, để bạn tùy nghi xử lý. Cách xử dụng cũng rất dễ, bạn nào có, đọc manual ắt biết. Còn có cách là dùng limiter (bộ hạn chế) để hạn chế biên độ của âm lượng, nhưng phải dùng loại chỉ limit từng giải đã ấn định trước, không dùng loại toàn giải, sẽ phá âm lượng của toàn bộ.
Nói chung, thiết bị để chống feedback thì rất nhiều, có loại rất hiện đại, chức năng như một máy tính có thể detect toàn bộ âm thanh của bạn, nếu có gì xảy ra là nó tự động xử lý ngay tức thì, khỏi phải lo nghĩ, nhưng giá tiền thì ở trên trời !!! Nhưng, thiết bị nào để chống feedback cũng vậy, sẽ làm giảm chất lượng AT đi ít nhiều. Các bạn cứ hoàn thiện hệ thống AT của mình như đã viết ở trên, làm sao cho nó không bị feedback là tốt nhất. Đã không có feedback thì lấy gì mà phải chống. Chúng ta dại gì mà làm giàu cho các hãng sản xuất thiết bị, phải không các bạn?
Cuối cùng, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui có liên quan tới chủ đề của bài này. Sự việc nói về : khi đã có một giàn AT rất hoàn hảo, nhân lực operator thuộc bậc sư tổ, nhưng vẫn bị feedback như thường.
Trong show Asia Music Festival được tổ chức tại rạp Hòa Bình năm 1997. Liên hoan này có nhiều ca sĩ đại diện nhiều nước châu Á tham dự. Chương trình biểu diễn do HTV quay, được phát trực tiếp trên toàn châu Á. Toàn bộ thiết bị AT AS được do một công ty VN mướn từ Singapore chở qua. Riêng AT thôi, thiết bị quá hùng hậu: Loa Apogee, ampli Crest Audio (sub dùng amp 10.000w), Mixer dùng 2 cái Yamaha 48 cnls PM4000 (của VN, nhập về 150.000USD/cặp), AS thì khỏi nói. Singapore và VN cùng lắp ráp, xong rồi thì có nguyên một team của Công ty Leo Music người Nhật vào operate. Đám soundman này thuộc loại ngoại hạng, nổi tiếng trên thế giới. Thế là anh em Việt + Sing (tôi cũng có trong đó) chỉ còn một cách là nghểnh cổ ngồi xem và học nghề từng chút của đám này. Show quan trọng nên tụi nó check rất kỹ. Thằng mon sound ôm 8 cây micro mở sẵn, đi hết vài chục cái loa monitor, chĩa thẳng vào xem có bị feedback không. Đến phần các ca sĩ từng nước lên ráp AT. Riêng ca sĩ Nhật lên SK thì tụi nó chăm chút rất kỹ, gà nhà mà. Từ cách đặt loa monitor cho tới khi hát, từng đoạn nhạc cũng được chỉnh âm sắc riêng. Chàng ca sĩ này hơi già, hát một bài tiếng Nhật trữ tình, tempo rất chậm. Qua vài lần dượt với ban nhạc Nhật mấy chục người, luôn cả tổng dượt, chương trình vẫn chạy hoàn hảo, không một chút sơ suất.
Đến khi chính thức biểu diễn, ai mà thưởng thức show này đều thấy tuyệt vời. AT AS không chê được chỗ nào, cứ như trong mơ vậy. Gần giữa chương trình thì có một sự cố. Số là anh chàng ca sĩ người Nhật này, khi lên SK biểu diễn, chắc có lẽ thấy số khán giả quá đông, anh ta rất xúc động cố trình bày bài hát của mình không chỉ bằng giọng ca mà còn bằng điệu bộ. Bài hát thì trữ tình, truyền cảm nên có một lúc anh ta feeling phát ra những âm rất nhỏ nhẹ, sắc (chỗ này soundman phải tăng thêm nhiều âm lượng và tone hi-mid để khán giả có thể nghe rõ từng tiếng thở, uốn lưỡi), từ từ nhắm mắt lại, mơ màng, cánh tay buông thõng (rất phong cách). Nhưng chính cánh tay này lại đang cầm micro, chĩa thẳng vào loa monitor. Một tiếng “rét” của hệ thống loa gần 200.000w phát ra như sấm nổ. Chàng ca sĩ giật mình, mở mắt, chân tay luống cuống không biết để vào đâu. Khán giả thì cười rầm cả rạp. Cũng may, sắp tới đoạn hát tới nên anh ta trấn tĩnh và hoàn tất bài nhạc của mình suôn sẻ. Các bạn thấy đó, dù chuẩn bị có kỹ như thế nào cũng vẫn có thể bị khuyết điểm. Nhân định bất thắng thiên là vậy.
 
Nguồn : Sưu tập

CHUẨN BỊ NGUỒN ĐIỆN CHO HỆ THỐNG ÂM THANH ÁNH SÁNG SÂN KHẤU

Cấp nguồn điện cho hệ thống âm thanh ánh sáng.

Bất cứ một thiết bị âm thanh ánh sáng nào cũng cần một nguồn điện cung cấp thật tốt, ổn định điện thế và cường độ. Thông thường, trong một show diễn, người phụ trách ánh sáng sẽ có trách nhiệm cung cấp nguồn cho toàn thể sân khấu.

Nguồn cung cấp điện (power source) phải được lấy từ nguồn chính của nơi tổ chức biểu diễn. Nếu show quan trọng, nên tăng cường thêm vài nguồn từ máy phát điện để dự phòng nguồn điện lưới hạ thế bị ngắt đột ngột. Ở sân khấu VN, nguồn điện cung cấp cho hệ thống AS xử dụng khoảng 200 PAR 64 cộng các thiết bị khác ước lượng chừng 300KVA (tương đương 300.000w ≈ 1.400 Amps). Cách tính này có thể gia giảm tỉ lệ thuận tùy theo số lượng PAR thực tế.

Thiết bị chính để quản lý nguồn điện là electric power-rack (tủ điện). Nguồn điện cung cấp cho tủ này gồm 5 dây cáp : 3 dây line (hot, nóng), 1 dây neutral (nguội, trung tính) và 1 sợi dây ground (đất, terre). Bộ ngắt điện chính là CB tổng (main circuit-breaker). Nên dùng loại thermo (nhiệt, TCB), thời gian ngắt tự động lâu hơn loại magnetic (từ, MCB) quá nhậy với những xung điện nhỏ, đôi khi ngắt sai làm ảnh hưởng tới chương trình biểu diễn.

Trước và sau CB tổng, chia riêng cho mỗi phase nóng là 2 đồng hồ đo điện thế và cường độ (AC volt, amp meter). Những đồng hồ này dùng để cân phase (phase balance) khi thử tải và theo dõi kiểm tra trong khi biểu diễn. Nếu dây nguồn bắt buộc phải kéo dài hơn vài trăm mét, bạn nên tăng cường thêm cho tủ điện một tụ điện bù phase có thông số tương thích với nguồn tải để ổn định dòng điện, hạn chế tăng nhiệt dây cable kéo điện. Trong tủ điện là những CB chia nguồn cho các hệ thống khác như AT, Power-pack v.v.

Sau khi lắp ráp xong tất cả các thiết bị AT AS, phải check nguồn điện bằng cách thử tải (power-check). Bạn khởi động tất cả CB trong hệ thống, rồi đẩy tất cả fader của đèn của hệ thống AS lên full 100% tối thiểu là 2 phút. Nếu không có sự cố xảy ra, đồng hồ báo dòng của cả 3 phase đều cân bằng (chênh nhau không quá 10%), tất cả dây dẫn điện không có dấu hiệu tăng nhiệt là hệ thống nguồn tốt. Nếu có trục trặc phải sửa ngay, cân phase và check lại từ đầu. Sau đó đến phần check các nguồn điện phụ, thao tác của mỗi nguồn cũng như trên. Để ý các cầu giao đảo điện, vì chỉ có 3 phase nên các dây neutral của mỗi nguồn phải được đấu vào nhau thật chắc chắn. Có khi vì lý do nào đó mất nguồn neutral, sẽ xảy ra trường hợp phase nào tải nặng hơn thì sụt áp, phase nào nhẹ tải thì tăng áp bù lại (có thể lên tới 380V), rất nguy hiểm cho các thiết bị AT AS.

Lắp đặt dây đất (ground) cũng không kém phần quan trọng. Thông thường thì lấy nguồn ground tại nơi cung cấp nguồn điện chính. Nếu không có thì bắt buộc phải đóng cọc đất tại ngay nơi đặt tủ điện: đóng 4 cọc dài 2,5 mét bằng sắt mạ đồng (có bán sẵn) thành hình vuông cạnh 1 mét sau khi đã đổ nước muối làm ẩm đất. Đấu chung lại với nhau làm thành nguồn ground cung cấp cho các thiết bị. Trường hợp bất đắc dĩ, chưa chuẩn bị trước được, có thể tìm những kết cấu bê tông của nơi tổ chức biểu diễn như cầu thang sắt, cửa sắt v.v, tìm cách đấu nối thật chắc chắn (ốc xiết cáp, hàn cadwell). Thông số kỹ thuật cho một nguồn ground hoàn hảo : Đo được < 4Ω giữa nguồn ground và neutral (TCVN1985), đo bằng thiết bị chuyên dùng (Megaohm-meter).

Đã là AT AS chuyên nghiệp thì bắt buộc bạn phải thiết kế dây tiếp đất cho hệ thống thiết bị của bạn. Sau đây là những lý do tại sao phải cần dây tiếp đất:

-Tránh rò rỉ điện thế ra vỏ của các thiết bị. Khi bị nhẹ thì microphone cầm tay sẽ bị ảnh hưởng trước tiên, ca sĩ có thể bị điện giật. (Show quốc tế mà không có tiếp đất, Tây nó không chịu diễn đâu).

-Các CB sẽ dễ tự động ngắt hơn khi có sự rò rỉ hay chạm mạch. An toàn điện tối đa.

-Các dimmer-pack của AS, khi dùng khoảng một nửa công suất sẽ tạo ra nhiều xung điện nhiễu. thường thì trong mỗi dimmer-pack sẽ có một mạch chống xung dao động bằng cuộn shock và tụ điện. Nhưng đôi khi nó cắt không hết, tạo xung nhiễu vào nguồn điện. Mixer AT, vì ngõ input mở đầu rất nhạy nên sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ có những voice, noise ngoài ý muốn.

-Tạo ra một lớp giáp bảo vệ nguồn tín hiệu AT. Không có thiết bị ngoại vi nào (motor, bộ đàm v.v) xâm nhập vào hệ thống được.

Vì công suất quá lớn, các thiết bị AS bao giờ cũng lấy điện trực tiếp từ nguồn chính, riêng AT thì cần nguồn tốt hơn nên đôi khi cần thêm những thiết bị ổn định điện thế. Nếu điện thế tăng giảm qua mức ± 20% điện thế ấn định, nên dùng biến thế tự ngẫu (survolteur) công suất lớn để điều chỉnh điện thế gần bằng mức bình thường là được. Các thiết bị pre-amp pro thì đã có sẵn regulator ngay trong nó rồi thì có hay không ổn áp thêm cũng không cần thiết lắm.

Tiện đây, xin nói qua về những thiết bị ổn áp bán trên thị trường VN, loại tự động bằng cách quay chổi than. Nếu điện thế không ổn định, bạn dùng cho các thiết bị pre-amp, dòng tiêu thụ nhỏ, thì không sao. Nhưng nếu bạn cấp cho amplifier, dòng điện tiêu thụ lớn lại tăng giảm đột ngột theo tiếng nhạc, nhất là sub bass, bộ regulator của ổn áp phải hoạt động liên tục, motor quay chổi than cũng vậy, rất mau hư. Chổi than cũng mau mòn, sinh kẹt, nếu hư ở điểm tăng áp thì rất nguy hiểm cho các thiết bị. Xử dụng các thiết bị ổn áp này cũng nên cẩn thận.

Với những dòng thiết bị AT cao cấp (như trong studio), đòi hỏi nguồn điện thật sạch, an toàn, thì có một thiết bị cấp nguồn đặc biệt là Power conditioner (điều hòa năng lượng) mà điển hình là của hãng Furman. Thiết bị ổn áp này rất tuyệt vời, gọn nhẹ (rack mount 1U), nguồn ra an toàn cho các thiết bị AT cao cấp, cách ly tuyệt đối với điện lưới hạ thế, mạch auto shut down khi điện áp cao quá ngưỡng, xử dụng tần số cao làm mạch dao động và nhiều tính năng đặc biệt khác. Vì có thêm 2 đèn pull-out nên thường được thiết kế trong rack máy, nơi cao nhất. Dòng ra nhỏ (max20 Amps) nên chỉ dùng cho pre-amp.

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

CÁCH THIẾT KẾ ÁNH SÁNG SÂN KHẤU

Truớc hết là về sân khấu (Stage), bạn phải định hình kích thước, hình dáng và chiều cao của từng loại. Ở đây ta đang nói về sân khấu ca nhạc VN nên đơn giản hơn. Thường chỉ có sân khấu hình chữ nhật có thêm một vài bục lên xuống cho ca sĩ là hết.

 Kế tiếp, các bạn phải nắm được những vị trí có thể treo đèn (fixtures) được. Nếu ở trong hội trường, nhà hát bạn phải tìm kiếm những vị trí có thể đặt, treo đèn được. Còn nếu sân khấu ở ngoài trời, bắt buộc bạn phải có một giàn khung để treo đèn. Giàn khung này (Trussing), ở nước ngoài làm bằng nhôm dural nhưng ở VN vì lý do kinh tế, thường làm bằng ống sắt hàn lại, cũng tạm sử dụng được (ở VN thôi! Nếu sử dụng trong các show quốc tế, tụi Tây nó sợ chết khiếp. Đã có tai nạn chết người vì sập giàn khung treo đèn ở VN rồi). Sau đây là vài Demo về giàn khung treo đèn, tùy các bạn sáng tạo.

Thiết bị ánh sáng

Phần chính yếu trong thiết kế là thiết bị ánh sáng (fixtures). Bạn đã có trong tay bao nhiêu thiết bị rồi? Dĩ nhiên càng nhiều càng tốt. Tôi xin đề nghị số lượng cần dùng tối thiểu cho một SK ngoài trời diện tích 15 x 10 m như sau :

    80 đèn PAR 64.
    8 moving head 575w trở lên
    8 đèn scanner 575w trở lên.
    Một số đèn kỹ xảo (effect).
    1 đến 2 máy tạo khói trên 2000w.

Và dĩ nhiên không thể thiếu bộ điều khiển ánh sáng (lighting controller system) phù hợp với những thiết bị trên.

Và cách sắp đặt các thiết bị trên:

    Giàn mặt tiền: khoảng 16 PAR 64 mỗi bên, có thể treo bằng trụ đứng (stand alone tower) hay giàn giáo xây dựng cũng được.
    Giàn đầu: 2 giàn, mỗi giàn khoảng 8 PAR 64.
    Giàn hậu: khoảng 16 PAR 64, nếu có PAR 64 VNSP thì tốt nhất.
    Giàn cánh gà: 2 bên, mỗi bên khoảng 8 PAR 64.
    Đèn Scanner: Treo trên giàn khung, 2 cái ở khung hậu, 4 ở khung bên, 2 ở trụ đứng trước.
    Moving head: thường thì đặt trên sân khấu, 4 trên bục ban nhạc, 4 đặt hàng ngang mặt tiền sân khấu. Có thể treo lên khung nhưng phải treo ngược thẳng đứng, không được treo ngang (có thể làm gãy trục Pan của đèn).
    Đèn giữa chiếu phông sân khấu: Có thể là 1 đèn mặt trời đôi, hoặc lấy Centre-piece đánh thẳng vào phông, rất đẹp.
    Nếu sân khấu có phông (nền) màu trắng, bạn cần thêm một số đèn wash hoặc par led để đổi màu phông.
    Tất cả các loại đèn khác, tùy theo công dụng, đặt tùy ý.
    Hai máy khói, nếu ở trong nhà, đặt 2 bên cánh gà. Ở ngoài trời, đặt 1 bên, xuôi theo chiều gió.
    Một hoặc hai đèn chiếu ca sĩ (follow spot) 1200w ở đằng sau lưng khán giả hướng về sân khấu.

Một nguyên tắc quan trọng nhất khi đặt đèn là đặt đối xứng. Bạn hãy tưởng tượng chia SK ra làm 2 theo 1 đường thẳng chiều dọc (màu đỏ trong hình vẽ). Khi bạn đặt ở một bên cây đèn loại nào, thì đối xứng bên kia qua đường phân chia, bạn phải đặt một cây đèn giống như vậy. Khi lẻ 1 hay chỉ có 1 cây bạn nên đặt ở giữa. Ngay cả khi gắn màu (color filter), những cây đối xứng, màu cũng phải giống nhau. Tất cả Scanner hay moving head ở một bên phải được cài đặt (set) Pan trái ngược (opposite) với ở bên kia, để khi điều khiển Pan của 2 cây nằm 1 hàng ngang cùng lúc, nó sẽ pan đối xứng chứ không pan cùng chiều.

GIỚI THIỆU VỀ NGHỀ ÂM THANH ÁNH SÁNG

Những năm gần đây nhu cầu thiết kế âm thanh và ánh sáng cho những gameshow, chương trình thời trang, ca múa nhạc đòi hỏi công phu hơn và hoành tráng hơn. Trước nhu cầu đó, ngành thiết kế âm thanh và ánh sáng ra đời để thực hiện các chương trình biểu diễn một cách chuyên nghiệp hơn. Ngành này phát triển không ngừng trong thời gian gần đây

Với sự hỗ trợ đắc lực của các loại máy móc thiết bị điện tử hiện đại, các kỹ sư - những người kỹ thuật chuyên nghiệp điều chỉnh âm thanh và ánh sáng biểu diễn đóng vai trò rất quan trọng, luôn gắn bó chặt chẽ và là một phần không thể thiếu được của mọi loại hình biểu diễn nghệ thuật.

Không như một vài người lầm tưởng, vai trò của ánh sáng trong lĩnh vực sân khấu cũng rất quan trọng không thua gì âm thanh. Nếu như âm thanh phải đạt được cái hay, thì ánh sáng cũng phải đạt tới cái đẹp. Hai loại nghệ thuật này tuy khác nhau hoàn toàn, nhưng trong lĩnh vực sân khấu, nó có sự tương hỗ đặc biệt.

Sân khấu Việt Nam: Nhìn ra thế giới!

Thị trường âm nhạc TPHCM đứng đầu cả nước ở quy mô cũng như chất lượng các show diễn. Thế nhưng, rất nhiều show diễn của các ngôi sao ca nhạc thế giới vẫn phải chuyển hệ thống âm thanh từ nước ngoài vào. Đánh giá chất lượng âm thanh biểu diễn cho show lớn trong thời điểm hiện nay, nhiều ông bầu có chung nhận định rằng “tạm hài lòng nhưng vẫn cần nâng cấp để đáp ứng mong mỏi của khách hàng”. Nhập được hệ thống có âm thanh đồng bộ chất lượng cao đủ để đáp ứng các chương trình ca nhạc và biểu diễn nghệ thuật quy mô quốc tế tổ chức tại VN, kể cả tour biểu diễn của các ngôi sao ca nhạc thế giới, là mong mỏi của những người làm nghề.

Nếu so sánh với sân khấu các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là sân khấu của các rạp hát VN hiện nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh.

Cái yếu nhất của các nhà hát là thiếu trang bị kỹ thuật hiện đại, âm thanh, ánh sáng quá kém, dù bỏ tiền tỷ trang bị kỹ thuật, nhưng vẫn chắp vá. Thậm chí chưa có rạp nào ở Hà Nội có được dàn âm thanh, ánh sáng như New Century- một sàn nhảy thông thường. Các rạp phía Nam, âm thanh, ánh sáng còn thua sân khấu tư nhân Lan Anh...

Kỹ sư âm thanh: nghề “ngàn đô”


Kỹ sư âm thanh được gọi là nghề ngàn $, ngoài lương cao, còn là vì chi phí học nghề khá đắt. Học phí để thành một kỹ sư âm thanh của khoa kỹ sư âm thanh của Trường ĐH Hoa Sen (phối hợp với trường CIFAP - Trung tâm Đào tạo nghe nhìn Pháp) có giá 1.500 USD/năm (đào tạo 2 năm - hệ học viên), đó là chưa kể những máy móc bạn sẽ phải mua để hành nghề sau này. Chẳng hạn như máy móc cho mỗi DJ - nghề thời thượng mà nhiều kỹ sư âm thanh đang hoạt động là 1.200 - 1.800 USD cho bộ DJ gồm 2 turntable (bàn xoay), 1.200 - 1.600 USD cho một mixer (bàn trộn), rồi laptop, headphone, sound effect, đĩa nhựa vinyl…DJ (disc jockey - thợ chỉnh nhạc) là một nghề nhỏ của kỹ sư âm thanh hiện đang trở thành một nghề thời thượng của giới trẻ. Người được đào tạo kỹ sư âm thanh bài bản sẽ là một tay chơi DJ khá ổn. Lương của một DJ ViệtNam hiện tại chừng 1.500 - 3.000 USD/tháng, lương của kỹ sư âm thanh cũng sẽ tương đương như vậy. Khá nhiều người nghĩ kỹ sư âm thanh chỉ làm việc trong các studio sản xuất băng đĩa, nhưng trái lại, kỹ sư âm thanh có mặt ở mọi nơi: trường quay điện ảnh hoặc truyền hình, trong các phòng thu hoặc đài phát thanh, chương trình radio, trong các phòng biểu diễn hoặc ngoài trời.. Trên thế giới, kỹ sư âm thanh là linh hồn của một show diễn, một sự kiện truyền thông quan trọng.

Những kỹ năng cần thiết của một kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng:

Kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng là công việc sáng tạo khá quan trọng của công nghiệp sản xuất âm nhạc, điện ảnh, giải trí. Nhưng cho tới nay, việc đào tạo ngành này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam và chưa có những chương trình đào tạo chuyên nghiệp. Các bạn có thể tìm hiểu và đăng kí học tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, ĐH Hoa Sen, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình… chủ yếu là các chương trình đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ. Phần lớn các kỹ sư âm thanh, ánh sáng đang làm việc tại các studio, các sân khấu đều được học từ nước ngoài về, hoặc “săn” sư phụ và truyền nghề, học lỏm.

Một kỹ sư âm thanh cần có các phẩm chất sau:

- Nhanh nhạy và chính xác: với kỹ sư âm thanh tất cả đều là công việc điều chỉnh, chính xác và mau lẹ, họ cần phản ứng nhanh với những yêu cầu đưa ra.

- Trí tưởng tượng: vừa là kỹ thuật viên vừa là nghệ sĩ, kỹ sư âm thanh cần tìm những phương pháp mới lạ để đạt được hiệu ứng như mong đợi.

- Ham hiểu biết: các phương tiện kỹ thuật luôn được cải tiến nhanh chóng, họ cần phải nắm bắt thông tin và tự tìm tư liệu để luôn bắt kịp xu hướng.

Theo Báo Dân Trí

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

CÁCH LẮP ĐẶT DÀN ÂM THANH 5.1 ĐÚNG CÁCH



Việc sắp đặt đúng quy cách hệ thống âm thanh trong một dàn home theatre (rạp hát gia đình) là bí quyết giúp bạn cảm thấy như đang tham gia thực sự vào các sự kiện khi xem phim.

Hệ thống nghe nhìn ngày nay đều có bộ loa từ hai chiếc trở lên. Một dàn home theatre thường gồm nhiều loa để tạo ra âm thanh vòng (surround sound). Âm thanh này được tái tạo từ nguồn âm như đầu đọc DVD. Âm thanh surround của DVD có nhiều kênh (multichannel), mỗi kênh điều khiển một loa hoàn toàn độc lập với nhau.

Hệ thống âm thanh 5.1, 6.1, 7.1 là gì?

Hệ thống âm thanh 5.1 là hệ thống căn bản của "rạp hát gia đình" hiện đại.

 

 
Hệ thống âm thanh 5.1 bao gồm:

Loa trung tâm (center):thường được đặt trên hoặc dưới màn hình, chủ yếu để phát ra lời thoại của nhân vật trong phim.

Hai loa chính (front hoặc main): đặt hai bên màn hình để tái tạo hầu hết các âm thanh trong phim.

Hai loa surround: bố trí hai bên, phía sau người xem, để phát ra tiếng nhạc nền và tiếng vọng.

Ngoài 5 loa trên còn có một loa subwoofer chuyên tạo ra các âm thanh siêu trầm. Kết quả là các hiệu ứng âm thanh sẽ làm cho chúng ta cảm thấy như đang nhập cuộc trong những cảnh phim cực kỳ hấp dẫn diễn ra trên màn hình. Hệ thống Dolby Digital và DTS thông thường được thiết kế trên cơ sở 5.1 này.

Hệ thống âm thanh 6.1 và 7.1 được phát triển trên cơ sở 5.1 bằng cách thêm một hoặc hai loa surround đặt ngay phía sau người nghe, nhờ đó hiệu quả âm thanh vòng được cải thiện tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, muốn nghe được âm thanh 6.1 hoặc 7.1 bạn cần phải có ampli hỗ trợ các chuẩn này. Hệ thống 6.1 hoặc 7.1 còn được gọi là hệ thống Surround EX hoặc DTS-ES, chúng hoàn toàn tương thích với tiêu chuẩn Dolby Digital 5.1 (nếu bạn không có loa đặt phía sau thì bỏ trống kênh này).

Bố trí các loa phía trước

Ba loa ở phía trước (center và hai loa chính) phải được đặt thẳng thành hàng ngang. Nếu bạn dự định xem phim hoặc nghe nhạc một mình là chính thì có thể bố trí các loa trên một cung tròn có tâm là vị trí ngồi xem. Ngược lại, nếu hệ thống của bạn dành cho cả gia đình nhiều người cùng thưởng thức thì nên bố trí các loa thẳng hàng theo mặt phẳng tivi. Chú ý đừng bao giờ bố trí các loa theo hàng không đều.

Nên sử dụng góc hẹp nếu xem phim, góc rộng dành cho nghe nhạc. Loa bên phải và bên trái nên đặt khép góc 45 đến 60 độ so với vị trí trung tâm. Một góc 45 độ là thích hợp nhất cho việc xem phim bởi vì khi lồng tiếng cho phim, người ta cũng sử dụng một góc như vậy. Ngược lại, nếu bạn sử dụng hệ thống để nghe nhạc là chính thì nên chọn một góc rộng hơn.

 Cuối cùng, cả ba loa phía trước cần phải đặt ở độ cao càng giống nhau càng tốt, và tốt nhất là ở cùng độ cao với tai người nghe. Loa chính giữa thường được đặt trực tiếp lên đỉnh tivi, vì thế bạn nên sử dụng giá đỡ có độ cao điều chỉnh được để đỡ hai loa phải và trái.

Bố trí các loa surround

Trong hệ thống âm thanh 5.1, các loa surround nên đặt đối xứng ở hai bên người nghe, hơi lùi về phía sau một chút (nhưng không phải là ở sau lưng) và đặt cao hơn vị trí tai người nghe, và hướng thẳng đứng chứ không nên chếch xuống vị trí ngồi nghe để tránh hiệu ứng tái định vị.

Nói chung, không nên gắn các loa surround lên bức tường phía sau. Tuy nhiên không phải căn phòng nào cũng cho phép bố trí loa surround ở hai tường bên. Khi đó, bạn cũng có thể sử dụng kệ hoặc giá đỡ bằng gỗ hoặc sắt cho các loa surround. Với độ cao thích hợp, giá đỡ cũng có tác dụng tốt không kém gì trường hợp gắn loa lên tường bên của căn phòng. Một điều các bạn cần lưu ý là chọn dây nối loa trong hệ thống âm thanh surround rất quan trọng. Nên chọn dây loa loại tốt, nhất là đường dây nối với loa surround có khoảng cách khá lớn, nếu dây nhỏ hoặc chất lượng kém sẽ làm suy giảm tín hiệu và gây ra hiện tượng méo tiếng và sai tiếng.

Dần dần, từng bước một, vừa sắp xếp, vừa nghe thử sau vài lần điều chỉnh vị trí các loa bạn sẽ tìm được giải pháp tốt nhất cho hệ thống âm thanh home theatre. Nhờ hệ thống âm thanh được chọn lựa và sắp xếp hoàn hảo, hình ảnh càng trở nên hấp dẫn hơn và gia đình bạn sẽ có những phút quây quần thưởng thức phim ảnh đầy thú vị ngay tại ngôi nhà thân yêu.

10 CÂU HỎI CẦN TRẢ LỜI TRƯỚC KHI CHỌN MUA DÀN ÂM THANH




Để chọn mua dàn âm thanh phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính cũng như bố cục trong gia đình, bạn nên lưu ý 10 điểm sau:

1. Bạn dự định khoản đầu tư cho bộ dàn âm thanh là bao nhiêu?

2. Bạn nghe ở phòng diện tích bao nhiêu m2? Đó có phải là phòng sinh hoạt chung hay là phòng riêng?

3. Bạn thích nghe những dòng nhạc gì nhất (giao hưởng, nhạc vàng, nhạc nhẹ, v.v…)?

4. Bạn thích loa cây hay loa bookshelf, chỗ bạn định đặt có thích hợp cho nó không?

5. Bạn có đầu tư cho dàn âm thanh bây giờ hay khi nào ?

6. Trước đây bạn đã chơi bộ dàn âm thanh nào chưa? Nếu có đó gồm những loại gì?

7. Bạn không hài lòng về vấn đề gì của bộ dàn bạn đã chơi trước đó ?

8. Bạn quan niệm thế nào về dàn âm thanh mới (sản phẩm mới, đời mới) và dàn âm thanh cũ( hàng bãi)?

9. Bạn sẽ đầu tư cho bộ dàn một lần nghe hay luôn  hay nâng cấp bộ dàn âm thanh dần lên?

10. Trong gia đình bạn có ai sẽ thưởng thức bộ dàn này cùng bạn?

 Công ty TNHH Ánh Âm Thanh có nhiều năm kinh nghiệm cho thuê âm thanh, ánh sáng, tổ chức sự kiện sẽ tư vấn giúp bạn chọn dàn âm thanh phù hợp nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

KỊCH MA NỞ RỘ TRÊN KHẮP CÁC SÂN KHẤU CẢ NƯỚC

Có lẽ chưa khi nào kịch ma lại nở rộ với mật độ dày đặc trên các sân khấu như hiện nay. Các sân khấu kịch nói vốn đìu hiu, đang "thiếu muối" với những vở hài kịch, tiểu phẩm hài nhàn nhạt bỗng đông khách trở lại. Song, có lẽ khi thưởng thức quá nhiều một món ăn, người xem sẽ không tránh khỏi tình trạng ngán ngẩm.

1.001 kiểu ma

Dạo quanh một vòng trang web của các sân khấu kịch đình đám ở khu vực miền Nam, không khó để bắt gặp các thông tin giới thiệu về các vở kịch ma "hot" nhất kèm theo những bức ảnh minh họa có cảnh máu me, oan hồn hiện hình trên nền nhạc rùng rơn, âm thanh ánh sáng huyền ảo... Những vị trí bắt mắt, dễ nhìn nhất luôn được dành cho việc giới thiệu các vở kịch kinh dị. Sân khấu Kịch Sài Gòn công diễn các vở Hồn ma báo oán, Quỷ, Biệt thự ma, Hồn trinh nữ, áo cho người chết... Nhà hát Thế giới trẻ có các vở: Lầu hoang, Biệt thự bí ẩn, Điện thoại nửa đêm, Họa hồn, Am khuya... Kịch Sao Minh Béo và Kịch cà phê Tâm Ngọc "nối gót" theo, khai thác kịch ma dưới nhiều góc nhìn.

Kịch Phú Nhuận được xem là nơi "nhiều ma" nhất khi sở hữu các vở ăn khách được tái dựng trong mùa hè này như: Người vợ ma hai, Quả tim máu, Sám hối, Căn hộ 404, Ma sói, Thứ sáu ngày 13... Nội dung các vở diễn đều xoay quanh những câu chuyện huyền bí, kỳ quặc. Mô -típ thường thấy là chuyện ác giả ác báo, nhân vật chính sám hối ăn năn, thanh minh lỗi lầm để không còn bị "ma ám".

Danh sách các vở kịch ma được nối dài khi sắp có thêm các vở Ma lực kinh hoàng, 12 giờ đêm, Giờ chết, Giờ C, Kỳ án 292, Nốt ruồi máu... đang được dàn dựng. Vở Thu khùng đã từng dàn dựng để tham gia cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn toàn quốc nay cũng được "nâng cấp" thành "Ma khùng". Kịch Sài Gòn có thêm: Cái chết bí ẩn, Kinh hoàng ma nữ, Ma da, Biệt thự ma... Sân khấu kịch Sao Minh Béo có hai vở ma: Xác sống và Một xác hai mạng.

Không chỉ nở rộ ở các sân khấu phía Nam, theo nghệ sỹ (NS) Chí Trung, kịch ma đang trở thành dòng kịch thu hút được đông đảo khán giả. Dự kiến thời gian tới, dòng kịch này sẽ được phát triển ra các sân khấu phía Bắc.

Có lẽ chưa khi nào kịch ma lại nở rộ với mật độ dày đặc trên các sân khấu như vậy. Song, có lẽ khi thưởng thức quá nhiều một món ăn, người xem sẽ không tránh khỏi tình trạng ngán ngẩm. Những người yêu kịch thực thụ khó tìm thấy cho mình một vở diễn ưng ý, được đầu tư công phu, giàu giá trị nghệ thuật mà không "dính" đến nội dung ma mị. Thêm vào đó, có nhiều ý kiến tỏ ra vô cùng quan ngại, bởi nếu không kiểm soát tốt, kịch ma vô tình trở thành nơi cổ xúy cho mê tín dị đoan. Việc lặp đi lặp lại mô -típ chuyện ma trong kịch, phải chăng cho thấy người nghệ sỹ đang cạn kiệt về ý tưởng?

Kịch ma nở rộ: Cạn kiệt ý tưởng hay cổ xúy cho mê tín dị đoan?

Trao đổi với PV, NS Minh Béo (sân khấu Sao Minh Béo) cho hay: Kịch ma ở trong Sài Gòn được khán giả trẻ yêu thích, vì các bạn trẻ thường hiếu kỳ, yêu thích cái lạ và những yếu tố giải trí hấp dẫn. Ma không chỉ có sự hù dọa mà còn có ý nghĩa nhân văn. Mỗi vở kịch có chủ đề rõ ràng, câu chuyện hấp dẫn chứ không chỉ có nhát ma. Yếu tố nhát ma đã được những vở diễn thời kỳ đầu làm rất thành công rồi nên nếu tiếp tục làm lại, làm tiếp thì khán giả cũng đã quen nên bớt sợ và không sợ nữa. Ngày nay, người ta thường chém giết, chửi rủa nhau, dùng ngôn từ nặng nề với nhau nên chúng tôi muốn hướng con người ta phải sống sao cho ý nghĩa hơn.

Nêu ra dẫn chứng cho ý nghĩa nhân văn mà mình nhắc tới, NS Minh Béo nói: Vở kịch Xác sống, Một xác hai mạng... là những vở diễn rất thành công thời gian qua với ý nghĩa, cái chính sẽ luôn thắng cái tà. Hồn ma phá án thì cho thấy rằng, những ai giết người sẽ bị ám ảnh suốt cuộc đời. Vở kịch khuyên người ta phải biết ra đầu thú thì mới được hưởng sự khoan hồng. Quái thai - sắp tới sẽ nói về nạn phá thai đang diễn ra ở giới trẻ.

Khi PV đề cập đến một vở diễn mới bị dừng vì "nội dung mang tính chất cổ xúy mê tín dị đoan, lồng ghép cảnh ma quỷ hù dọa khán giả gây phản cảm" của sân khấu Sao Minh Béo, NS này cho biết, vở kịch bị dừng có nội dung nói về việc đồng bóng trong đám ma, kinh doanh trên thể xác của người chết, buôn thần bán thánh. Tuy nhiên, trước khi đem đi duyệt, đạo diễn không để anh góp ý và không sửa theo hướng tích cực hơn. "Hội đồng kiểm duyệt cũng đã góp ý nên sửa để không mất công sức anh em làm. Tuy nhiên, tôi kiên quyết dừng vì có những cái nhìn lệch lạc. Một số báo nói, hội đồng bỏ nhưng không phải, tôi mới là người nói bỏ. Mình đặt địa vị mình là khán giả và không chấp nhận kịch bản đó nữa", NS Minh Béo nhấn mạnh.

Không nên lạm dụng yếu tố ma mị

Không thể phủ nhận kịch ma đã thổi một luồng gió mới vào các sân khấu kịch, thu hút ngày càng đông khán giả đến xem. Tuy nhiên, khi các đạo diễn cũng như các nhà hát ồ ạt đầu tư vào kịch ma, giới chuyên môn lo ngại về tình trạng cạn kiệt ý tưởng trên các sân khấu. Hàng chục vở diễn của mùa mới đều chủ yếu xoay quanh nội dung ma mị. Vậy làm thế nào để nội dung vốn nhạy cảm đó không biến thành giật cân, câu khách? Làm thế nào để kịch nói giữ được giá trị nghệ thuật mà vẫn phản ánh được hơi thở nóng hổi của cuộc sống?

Trả lời cho câu hỏi trên, NS Minh Béo nhận định: "Khán giả hiện nay rất thông minh, họ đòi hỏi ở người nghệ sỹ sự lao động nghiêm túc. Vở diễn có tính giải trí là đầu tiên nhưng bên cạnh đó, phải có tính nghệ thuật và có ý nghĩa để khi xem xong về họ còn điều gì mà ngẫm nghĩ. Khán giả xem kịch ma thì chúng ta phải định hướng khán giả chứ không phải theo khán giả. Khán giả thích ma là vì sao mình phải hiểu được nguyên nhân. Ma là hình thức mới trong kịch nói và đánh thức được tiềm thức con người. Họ phải sợ thì mới xem để có cảm giác thức tỉnh trong tâm thức. Người diễn phải luôn luôn đặt khán giả vào một phần của vở diễn để khán giả thấy câu chuyện thân thuộc với mình và ngẫm nghĩ được sự đời. Cần có sự đổi mới trong từng vở diễn. Các câu chuyện có chủ đề, có câu chuyện, có tính hấp dẫn; kịch ma để răn đời, có hỉ nộ ái ố, tham sân si.

Trao đổi với PV, NS Tiến Hợi, nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng: Việc ngày càng xuất hiện nhiều các vở kịch ma là do các sân khấu phía Nam đang chuyển đổi nội dung, lấy tiêu chí ma mị, giật gân làm nội dung để bán, để kinh doanh. Thể loại này đã được các nước làm rất nhiều rồi. Việt Nam bắt đầu mới nảy sinh và phát triển một vài năm gần đây. Ngoài Bắc chưa xuất hiện dòng kịch này, phía Nam thì nhiều hơn. Thể loại đó có lợi gì và không có lợi gì với xã hội hiện nay thì chỉ có khán giả và những  người xem trực tiếp mới trả lời được. Tuy nhiên theo tôi, chỉ nên sử dụng các chi tiết ma mị trong  một chừng mực, mức độ nào đó, vì lớp trẻ bây giờ cũng thích những gì ly kỳ, giật gân, còn nếu lạm dụng quá thì thành ra không hay. Khán giả đến xem kịch mà chỉ thấy sợ hãi rồi quên thì vở kịch cũng không có giá trị gì".


Cũng theo NS Tiến Hợi, để các sân khấu kịch không trở thành nơi cổ xuý cho mê tín dị đoan, khâu kiểm duyệt phải đặc biệt chặt chẽ. "Các vở kịch được công diễn đều phải được thông qua kiểm duyệt của sở Văn hoá và cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép. Không có giấy phép thì không bao giờ được diễn. Hiện nay, trên truyền hình đưa rất nhiều các tác phẩm hài dí dỏm, hài địa phương. Các tác phẩm này vẫn rất hay và thu hút được khán giả. Điều đó minh chứng rằng, không nhất thiết cứ phải đưa ma quỷ vào nội dung vở diễn thì mới thu hút được người xem.       

Hạn chế của quá trình xã hội hoá sân khấu?

Các sân khấu phía Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được khá tốt nhu cầu nhiều vẻ, đa dạng của công chúng. Điều đó cho thấy, sân khấu phía Nam đang thực hiện xã hội hóa thành công và đang hình thành nền nghệ thuật, sân khấu thị trường trong mối quan hệ: Cung- cầu. Tuy nhiên, mô hình hoạt động nhiều hiệu quả và là niềm tự hào của thành phố, là mơ ước của không ít bạn nghề phía Bắc này lại đang bộc lộ một số vấn đề. Điều khiến người ta dễ nhận thấy nhất, đó là tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều các vở kịch "thị trường", chạy theo yếu tố giật gân, câu khách khiến không ít khán giả tâm huyết tỏ ra lo lắng.

Theo PHẠM HẠNH
Báo Phapluatdoisong

TÁC DỤNG CỦA ÂM NHẠC TRONG CUỘC SỐNG

Dưới đây là những tác dụng của âm nhạc trong cuộc sống của chúng ta

Âm nhạc có ảnh hưởng đến đời sống con người. Chỉ có con người mới có khả năng hưởng thụ âm nhạc. Các nghiên cứu đã chỉ ra, âm nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng có tác dụng tốt, kích thích sự phát triển trí não. Do đó người ta khuyên cho trẻ nghe nhạc để phát triển trí tuệ của chúng.
Trước đây, nhất là trong thời đại La Mã, các chiến binh trước khi ra trận thường được nghe các khúc nhạc mạnh mẽ mang tích chất cỗ vũ, khích lệ để họ lấy đuợc tinh thần chiến đấu dũng cảm. Khi giao tranh, để cổ vũ cho tinh thần binh sỹ người ta cũng thường đánh trống, khua chiêng một cách dồn dập để các chiến binh xông lên.Giai đoạn cuối của các cuộc giao tranh giữa Hán và Sở, Trương Lương là một nhà chính trị, tư tưởng kiệt xuất thời đó cũng đã dùng tiêu để thổi một khúc nhạc dưới ánh trăng bạc, khiến hàng vạn quân Sở do Hạng Vũ chỉ huy bỏ chốn và đầu hàng Hàn Tín làm quân của hai bên không bị đổ máu quá nhiều.
Người ta cũng cho rằng âm nhạc làm dịu tâm thần. Một liệu pháp chữa bệnh được áp dụng kết hợp cho các bệnh nhân tầm thần là dùng âm nhạc làm giảm các cơn phấn khích, đưa người bệnh vào trạng thái buồn ngủ.

Âm nhạc cải thiện khả năng ngôn ngữ và trí nhớ

Học chơi một nhạc cụ nào đó sẽ giúp trẻ nâng cao đáng kể kỹ năng ngôn ngữ của chúng, và thậm chí có thể giúp khôi phục trí nhớ ở những người bị tổn thương não. Các nhà tâm lý học tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong vừa tuyên bố như vậy trên tạp chí Neuropsychology.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Agnes Chan, được tiến hành trên 90 nam học sinh, tuổi từ 6 đến 15. Một nửa trong số chúng được đào tạo về âm nhạc trong dàn nhạc dây của nhà trường trong vòng 1-5 năm. Nửa còn lại chưa hề học qua về âm nhạc. Tất cả các cậu bé này được kiểm tra về trí nhớ từ. Người ta sẽ đọc cho chúng nghe một danh sách các từ và yêu cầu chúng đọc lại càng nhiều càng tốt sau 10 phút, rồi 30 phút sau thí nghiệm. Tiếp đó, tất cả các em được xem một seri ảnh và yêu cầu nhớ lại các bức ảnh này. Mỗi em được kiểm tra 3 lần.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, những học sinh từng học qua âm nhạc nhớ được nhiều từ hơn hẳn so với số em còn lại, ngay cả ở thời điểm 30 phút sau thí nghiệm. Thêm nữa, họ cũng tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa thời gian học nhạc và khả năng nhớ từ của học sinh: thời gian càng dài, số từ nhớ được càng nhiều. Tuy nhiên, không có sự khác biệt giữa hai nhóm trong việc gợi lại hình ảnh.

Phát hiện này cho kết quả tương tự một khảo sát khác cũng của nhóm nghiên cứu, được thực hiện năm 1998 trên 60 sinh viên nữ tại Đại học Hong Kong. Một nửa trong số đó đã có ít nhất 6 năm học nhạc và nửa kia chưa từng học qua nhạc cụ nào. Tất cả cô gái đều phải tham gia những cuộc kiểm tra về trí nhớ thị giác và trí nhớ từ. Trong những bài kiểm tra về từ, những nữ sinh chơi nhạc có thể nhớ trung bình hơn nhóm còn lại là 16%.

Vậy bằng cách nào âm nhạc lại hỗ trợ các em trong việc liên tưởng từ? Chan tin rằng việc học nhạc đã kích thích thùy thái dương trái, là nơi xử lý các thông tin thính giác: quá trình này thúc đẩy sự phát triển của một phần thùy thái dương trái gọi là planum temporale, nơi chịu trách nhiệm về trí nhớ từ. Nói cách khác, việc nhớ từ là một loại “sản phẩm phụ” trong quá trình não tư duy âm nhạc. Ủng hộ cho nhận định này là kết quả của một nghiên cứu năm 1995 theo phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI). Nó cho thấy vùng planum temporale trên não của các nhạc sĩ lớn hơn trên não người thường.

Cũng theo Chan, không phải loại nhạc cụ, hay loại nhạc được học, mà chính quá trình rèn luyện đã giúp nâng cao khả năng ghi nhớ từ ngữ. Bà tin rằng phát hiện này có thể làm nền tảng cho một cách tiếp cận mới, nhằm giúp những người mất trí nhớ sau khi bị tổn thương não có thể phục hồi tư duy của mình. Đây cũng là tin vui cho các vị phụ huynh có thiên hướng về âm nhạc, mong muốn truyền thụ năng khiếu cho con cái mình

Tác dụng chữa bệnh của âm nhạc Mô-da

Mới đây nhất, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nghe nhạc Mozart có tác dụng chữa bệnh: làm giảm stress, tăng cường trí thông minh, ổn định nhịp tim, điều trị chứng động kinh, và suy giảm trí nhớ v.v…
Các bác sĩ tại Viện thần kinh London (Anh) trong một lần chữa trị cho bệnh nhân mắc bệnh động kinh đã tình cờ phát hiện ra rằng nghe nhạc Mozart 45 phút mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Sau quá trình điều trị, kết quả kiểm tra não của bệnh nhân này đã cho thấy có sự thay đổi đáng kể về số lượng các tế bào não, tăng khả năng học tập, chỉ số IQ, những tổn thương về thần kinh được hạn chế và thị lực cũng có những dấu hiệu được cải thiện một cách đáng kể.

Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết: trong não người và động vật nói chung có một vùng não rất nhạy cảm với âm nhạc, chúng có nhiệm vụ tiếp nhận các âm sắc từ những bản nhạc mà con người nghe được.Khi tiếp xúc với những bản nhạc có âm sắc phù hợp, phần não này trở nên hoạt động tích cực hơn, kéo theo sự hồi phục của các khu vực chức năng khác trong não. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khẳng định: nhạc Mozart là loại nhạc mang tính tư duy cao, có sự pha trộn và tổ chức tiết tấu phức tạp đạt đến trình độ cao.

Do đó, khi nghe loại nhạc này, người nghe như được “đánh thức” một số chức năng não. Não của họ như được truyền những luồng sóng kích thích mạnh, giống như sóng điện não và chính điều đó giúp cho não hoạt động hiệu quả.
Các nhà khoa học và các chuyên gia phân tích âm nhạc đã phát hiện ra rằng: trong kỹ thuật “thiết kế” âm thanh độc đáo chỉ có ở thiên tài Mozart, thường xuyên có sự xuất hiện những đoạn nhạc lặp lại với tần số cao hơn nhiều so với các tác phẩm âm nhạc của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như: Beethoven, Bach, Wagner hay Chopin….Sau một đợt điều trị thử nghiệm bằng nhạc Mozart, các bác sĩ thuộc bệnh viện tổng hợp Mexico đã cho biết: Trong số 9 bệnh nhân mắc chứng động kinh được áp dụng phương pháp kích thích sóng não bằng nhạc Mozart, thì có 4 bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến bệnh đạt mức 95%, 4 bệnh nhân đạt mức phục hồi 50% đến 70%.

Một số tác động của nhạc Mozart đối với con người

Kích thích trí thông minh

Sau một cuộc kiểm tra IQ được tiến hành tại Mỹ, các nhà khoa học nước này đã cho biết: nhóm học sinh được thư giãn bằng bản sonata K488 của Mozart có kết quả trắc nghiệm IQ trung bình cao hơn nhóm khác từ 9 đến 10 điểm. Tốc độ hoạt động não và nhiều hoạt động khác của trẻ được nghe nhạc Mozart trở nên nhanh nhạy hơn, năng động hơn bình thường

Tăng cường chức năng thị giác

Kết quả một cuộc thử nghiệm mới của các nhà khoa học về tác động của bản sonata K448 đối với 60 bệnh nhân tại Trường đại học Y dược Sao Paolo đã hé mở những khả năng về việc vùng não kiểm soát chức năng thị giác của con người được tăng cường tốc độ phân tích, và xử lý hình ảnh với độ chính xác cao.Những người tham gia cuộc thử nghiệm đã được “thưởng thức” những bản sonata soạn cho 2 piano của Mozart tại một phòng kín trong 10 phút. Sau đó, họ bắt đầu các cuộc kiểm tra sự phối hợp chức năng của thị lực và não bộ. Quá trình xử lý thông tin diễn ra rất nhanh và chính xác ở vùng não chức năng.

Giúp ổn định nhịp tim, giảm stress và phục hồi thần kinh

Nghe nhạc có thể khiến cho nhịp tim con người trở nên ổn định hơn. Nghiên cứu khoảng 23 trường hợp thanh niên tình nguyện tham gia nghiên cứu, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Oberwalliser – Thụy Điển đã khẳng định: việc nghe nhạc rất ích lợi đối với bệnh tim. Trong nghiên cứu này, ngoài nhạc Mozart, các bác sĩ còn phát hiện thêm các bản nhạc của nhà soạn nhạc danh tiếng Bach cũng có những tác động ổn định nhịp tim tương tự.
Trẻ sơ sinh được nghe nhạc Mozart cũng giúp giảm được đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh sau khi sinh. Trong quá trình nghe nhạc, một thiết bị camera đã ghi lại toàn bộ những hoạt động và biểu hiện của trẻ sơ sinh và đã công nhận âm nhạc Mozart đã có những ảnh hưởng tuyệt vời đến trạng thái tinh thần của trẻ.

Nguồn : Tổng hợp từ Internet

CÁCH CHỌN DÀN ÂM THANH CHO CĂN PHÒNG NHÀ BẠN

Chọn dàn âm thanh theo nội thất và không gian của căn phòng nhà bạn


Bạn đừng bỏ qua phần chất lượng âm thanh



Nội thất không gian căn phòng quyết định bạn nên chọn bộ dàn loa nào. Bộ dàn A bạn nhìn hình thức rất thích, trưng bày vào nhà bạn rất đẹp thế nhưng về mặt âm thanh lại rất 'tệ '. Thậm chí bạn nghe lâu cảm thấy rất mệt và đau đầu. Nếu nhu cầu của bạn sắm bộ loa chỉ để bày cho đẹp thế là rất chuẩn rồi. Nhưng nếu nhu cầu của bạn còn để thưởng thức âm thanh của nó nữa thì lại là không ổn.
Làm sao để chọn được bộ loa hài hoà được cả việc trưng bày và chất lượng âm thanh. Bạn nên cung cấp cho Công audio nhưng thông số kỹ thuật của căn phòng nhà bạn


Các thông số liên quan


1. Tổng diện tích nơi mà âm thanh bộ dàn loa có thể bay tới (nếu có cửa thì thông nhất là chúng ta sẽ đóng lại).
2. Chất liệu của 4 mặt tường bao xung quanh nơi để loa, 2 mặt trên dưới là trần và sàn.
3. Khoảng cách nhỏ nhất và lớn nhất có thể bầy được đôi loa chính? đằng sau của loa đó có tường chắn hay không ?
4. Khoảng cách từ đôi loa chính đến chỗ bạn ngồi ?
5. Nhà bạn có treo được loa lên tường không? ( đối với loa karaoke )
6. Bạn có chỗ để loa xuống sàn không đối với việc bạn thích loa cây?
7. Bạn có chỗ để loa lên cao từ 50-70 cm không? (đối với việc bạn thích loa bookself )!
8. Xung quanh loa chính bán kính 1,5m. Hai vị trí đó có đồng nhất không (để 2 loa tạo ra cộng hưởng âm thanh giống nhau)
9. Trần nhà của bạn có kiểu dáng như thế nào? Trần nhà bằng thạch cao sẽ giúp cho một căn phòng nghe nhạc trở nên lý tưởng hơn


Kiểu phòng nào phù hợp với kỹ thuật âm thanh


1. Phòng có hình chữ nhật, ví dụ 4x6 hoặc 5x7. Nhưng phải kê loa theo chiều dọc của phòng.
2. Trần cao trên 3m. Nên có các hèm, khe làm kiểu này sẽ tiêu được các âm bass bị thừa khi đó âm thanh sẽ mở được to.
3. 4 bức tường xung quanh nên dùng nhiều chất liệu khác nhau thì tốt hơn là dùng cùng một loại vật liệu.
4. Chất liệu trần thạch cao và tường dán giấy, bắn sần gai thật nhẹ, rèm cực mỏng trên thực tế Công Audio thấy khá tốt.
5. Bạn nên kê ghế ngồi vuông góc với tim của 2 loa, khoảng cách từ 4-5 m (đối với các đôi loa thông thường). Chúng ta nên ngồi theo tam giác cân nhưng cạch bên dài hơn cạnh đáy.
6. Nếu phòng đủ độ dài bạn nên ngồi cách tường sau thì tốt hơn (0,5 - 1,5 m)


Kiểu phòng nào sẽ làm kém âm thanh


1. Phòng bị hở quá rộng.
2. Trần phẳng, trần thấp.
3. Phòng có nhiều kính, rèm vài dầy, tường quá nhẵn phẳng.
4. Đằng sau loa không có tường chắn.
5. Ngồi nghe theo chiều ngang phòng.
6. Không có vị trí để loa theo đúng yêu cầu kỹ thuật của loa.
7. Bán kính xung quanh 2 loa chính 1,5m quá khác nhau.
8. Sàn nhẵn quá, bóng loáng.

Chúc các bạn chọn được dàn âm thanh phù hợp cho gia đình.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

CÁCH CHỌN DÂY LOA CHO DÀN KARAOKE GIA ĐÌNH

Sự quan trọng của dây loa trong hệ thống karaoke gia đình

Chọn dây loa cho hệ thống dàn karaoke gia đình như thế nào tốt nhất? Cách đấu dây loa trong hệ thống dàn karaoke gia đình nhà bạn chuẩn nhất.


Vấn đề sai lầm của nhiều người khi chọn dây loa


Nhiều bạn chơi bộ karaoke gia đình tất cả mọi thứ đều rất tốt. Nhưng riêng phần dây loa quá dở, họ dùng dây loa chất lượng quá thấp, giá trị có 6.000đ/m để dùng. Thực chất dây loa này chỉ để cho các loa công cộng rẻ tiền gọi là kêu lên tiếng mà thôi. Không thể có âm thanh tốt trong bộ dàn có hệ thống dây loa như vậy được. Âm thanh sẽ thiếu đi rất nhiều khi bạn dùng dây loa như trên


Khi nào bạn nên dùng dây loa tốt.


Khi bạn đã có 1 bộ dàn toàn đồ “xịn” thì bạn nên dùng dây loa “xịn” để đảm bảo bộ dàn đạt hiệu quả cao nhất. Ngược lại các bạn không nên dùng dây loa xịn cho các bộ dàn tầm thường rẻ tiền có đôi loa và amply mỗi sản phẩm rẻ hơn 3.000.000 VND.

Dùng dây  “xịn”  như thế nào là  không bị lãng phí. Bạn chỉ cần dùng dây loa của những hãng sản xuất nổi tiếng cho gia đình nó có giá tiền từ 4-7$ / 1m . Ví dụ : Furutech của Nhật, Neotech của Đài Loan, Vanderhun của Hà Lan.


Tác dụng của dây loa


Dây loa có tác dụng dẫn toàn bộ tín hiệu âm thanh đã được amply khuếch đại đưa tới cầu của đôi loa . Nó còn bọc tốt tránh nhiễu chui vào và bảo đảm dẫn đúng không làm biến dạng, suy hao tín hiệu âm thanh khi truyền qua.


 Chú ý tránh đấu chập dây loa

Dây loa dẫn tín hiệu âm thanh đã được khuếch đại đến loa. Khí đó tín hiệu khá lớn , âm thanh được đi từ cực dương (+) của âm li tới  cực  dương (+) của loa chạy qua củ loa nó phải quay lại cực âm của amply nếu mà bị chập 2 cực âm dương thì âmply sẽ bị cháy ngay.

Nếu bạn đấu ngược cực dương ( +)  và cực âm (-) của loa với amply  thì âm bass của 2 loa sẽ triệt tiêu nhau tiếng sẽ mất và  âm thanh rất dở.

Rất nhiều hãng dây loa có chiều. Bạn nên đấu đúng chiều tức là âm thanh sẽ chảy từ âm ly đến loa.


Chúc các bạn sẽ có kiến thức để set-up bộ dàn nhà mình tốt và chuẩn nhất.

5 BÍ QUYẾT CHỌN MUA DÀN KARAOKE

5 Bí quyết chọn mua Dàn Karaoke gia đình hát hay hơn ngoài quán


1. Chọn mua dàn karaoke nguyên bộ


Nhiều dòng sản phẩm dân dụng đã giúp người dùng có thể trang bị dàn karaoke gia đình dễ dàng hơn bao giờ hết. Để hát karaoke, người mua cần sắm một bộ hoàn chỉnh gồm: micro, amply Jarguar karaoke và bộ dàn karaoke chuyên dụng. Có hai cách để mua được bộ dàn karaoke: thứ nhất mua nguyên bộ từ nhà sản xuất, còn lại là sắm riêng từng phần của các hãng khác nhau.
Để thuận tiện cho người tiêu dùng, các hãng sản xuất đều thiết kế dàn karaoke nguyên bộ. Người mua không cần phải nắm rõ kỹ thuật vẫn có thể cất vang tiếng ca của mình.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều hãng khác nhau trên thị trường cung cấp hàng tá nhãn hiệu và giá cả khiến người mua bối rối.
Một lời khuyên nhỏ là không nên chọn những hiệu lạ chưa từng nghe tới có giá rẻ. Người mua nên chọn những thương hiệu có uy tín như:
Loa Bose , JBL, BMB
Đầu VietKtv , California
Ampli Jarguar, Crowns
Micro Shure
Ưu điểm của dàn nguyên bộ là tính đồng bộ, nhà sản xuất đã tính các thông số kỹ thuật giữa các thành phần để cho ra nguyên dàn karaoke  có các thành phần linh kiện tương thích với nhau.

Tuy nhiên, dàn Karaoke nguyên bộ của những hãng nói trên cũng có nhiều mức giá và chất lượng khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Với tầm giá khoảng từ 20-30 triệu là người tiêu dùng đã có thể tậu về nhà một dàn karaoke hát tương đối tốt.
Tuy nhiên, nhiều người dùng thắc mắc tại sao mình hát không hay bằng ở ngoài quán. Điều này cũng dể hiểu, bởi các cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng bộ dàn lắp ghép từ các thành phần khác nhau để cho ra âm thanh hay nhất.

 

2. Lắp dàn karaoke gia đình với các thiết bị rời


Dàn karaoke chất lượng đủ "thổi tung" căn phòng.
Nếu thuộc vào người sành âm thanh thì dàn karaoke nguyên bộ sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Lúc này người mua nên tự ráp riêng bộ dàn cho mình. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi người ráp phải có kiến thức về đồ điện tử và chi phí cho bộ dàn này cao hơn so với nguyên bộ.


3. Chọn mua Loa karaoke hay


Loa Bose thông dụng cho dàn karaoke gia đình
Thông thường, phòng hát Karaoke có diện tích từ 20m2 trở xuống, người mua chỉ nên sắm loa có công suất từ 100-150W/ loa là vừa đủ công suất. Nếu mua loa có công suất lớn, người mua phải sắm ampli karaoke có đủ công suất phát, nếu không sẽ gây ra hiện tượng phát âm thanh không chuẩn hoặc có thể làm cháy ampli. Nếu phòng hát Karaoke diện tích lớn hơn thì có thể kết hợp thêm một đôi loa nữa để cho âm thanh đầy đủ và chặt chẽ hơn.
Loa dùng cho hát karaoke thường có màng loa bằng kim loại vì âm thanh sắc sảo hơn, thể hiện đúng chất giọng của người hát hơn là loại loa có màng bằng giấy. Được nhiều người ưu dùng nhất là các dòng
Loa Bose 301 series V , IV , III
Loa karaoke BMB 255
Loa Karaoke JBL KS 308 , 310, 312 .
Tuy nhiên để đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ thì các bạn nên mua sản phẩm dàn Karaoke của các đơn vị uy tín vì hiện nay sản phẩm nhái rất nhiều. Khi các bạn đến các đơn vị này các bạn còn được tư vấn chọn dàn Karaoke tốt nhất.

 

4. Chọn mua Ampli Karaoke hay


Amply Karaoke Jaguar 203N
Amply Karaoke Jaguar 203N


Ampli karaoke cũng có muôn vàn chọn lựa. Nếu muốn hát hay có thể chọn ampli của những hiệu nổi tiếng như Jarguar, crown...
Trong hệ thống Karaoke thì việc căn chỉnh amply Karaoke là cực kỳ quan trọng. Nếu căn chỉnh amply Karaoke không tốt thì khi hát sẽ rất mệt và phần nhạc và lời không hòa quyện được với nhau.


5. Chọn Micro hát karaoke hay


Ngoài ra, micro Karaoke và dây loa Karaoke và dây tín hiệu Karaoke cũng góp phần quan trọng giúp hát trung thực hơn. Đừng vì tiếc một khoản nhỏ chi phí mà phá hỏng cả dàn karaoke. Người mua nên mua dây micro và dây tín hiệu nối từ đầu hát karaoke đến ampli phải là loại dây loại tốt, chống nhiễu và các đầu giắc nối phải đảm bảo tiêu chuẩn . Các micro dùng cho hát karaoke thì có thể chọn micro Shure SM-58, hoặc micro Shure PG-58 để hát.

Micro Shure SM58 được nhiều người ưu thích hát karaoke

Trên đây chỉ là một vài hướng dẫn cơ bản để người mua có định hướng trước khi sắm cho mình một bộ dàn karaoke. Chúc các bạn chọn được bộ dàn Karaoke ưng ý !

CÁCH KẾT NỐI DÀN ÂM THANH SÂN KHẤU ĐẦY ĐỦ VÀ CHUYÊN NGHIỆP


 Để kết nối dàn âm thanh sân khấu đầy đủ và chuyên nghiệp, trước tiên ta phải có đầu đủ thiết bị sân khấu như sau:

1./ Mixer bàn 8 Line hoặc 12 Line (1 cái loại có cõng GRoup)

2./ Crossover (1 cái)

3./Equalizer ( 2 cái )

4./2 cặp Loa Fun ( 4 tất hoặc 5 tất)

5./ 1 cặp loa Sub (4 tất hoặc 5 tất)

6./ 1 cặp Monitor

7./ 2 cái Maind power (1 khoảng 32 sò dùng cho Sub, 48 sò dùng 2 cặp Fun và 1 cặp Monito)

Bước 1 :

Trước tiên ta dùng kết nối phần Left & Right (out ra) của Mixer qua (in) của Equalize, từ equalizer (out) qua main power (in) và mắc 2 cặp loa fun và 1 cặp monitor vào main power (48 sò) (nhớ mainpower này để chế độ Stereo).

Chú ý bước này ta chỉ lấy tần số Treble và phần tần số Mid nên ta kéo 3 cần đầu của Equalizer về dưới cùng, còn 7 cần còn lại ta nên lên cho hợp lý. (Lấy phần 800Hz đến 16KHz ). EQUALIZER phần này ta sử dụng 2 CHANNEL 1 lổ LEFT 1 lổ cho  RIGHT của  MIXER.

Bước 2:

Ta dùng 1 sợi tính hiệu mắc phần Group của Mixer vào phần (in) của equalizer, từ Equalizer ta nối phần (out) qua phần in của Crossover và từ Crossover ta cho xuống phần in của Maind Power, và từ Main Power (32 sò) ta nối 1 cặp sub vào (maind power này ta đề chế độ Mono) vì ta chỉ lấy phần Bass sub.

Chú ý bước này ta chỉ lấy tần số Bass sub nên ta kéo equalizer ngược lại 4 cần đầu lên và toàn bộ 6 cần sau về dười cùng. (Lấy phần 20Hhz đến 800Hz). EQUALIZER phần này ta chỉ sử dụng  1 Channel gắn vào phần GROUP mixer, dư lại 1 channel .

Bước 3 :

Ta chỉnh phần Crossover vặt nút Cut Low (ta lấy tần số sub Bass tuỳ thích, nút còn lại cut mid, cut hi, ta cho về điểm 0) Phần kết nối đã xong ta quay lại kiểm tra phần Mixer bàn tất cả các nút phần điều khiển Micro, Echo, ta chỉnh cho tốt nhất.


Chú ý khống chế 2 cần  Left & Right và cần  Group chỉnh lớn nhỏ tuỳ thích khi bắc đầu trình diễn.

Chúc các bạn thành công

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

ĐÊM NHẠC GHITA CỔ ĐIỂN "THÌ KÝ ỨC"

Ngày 14/6/2014, tại Không gian văn hóa Heritage Space - Dolphin Plaza (Hà Nội), những âm thanh quyến rũ của dòng nhạc guitar cổ điển sẽ vang lên trong đêm nhạc “Thì ký ức”, với phần trình diễn của hai nghệ sĩ guitar hàng đầu Việt Nam hiện nay: Lê Thu và Quang Vinh.

Diễn ra một đêm duy nhất, hai cây guitar cổ điển danh tiếng của Việt Nam sẽ đưa khán giả về với “Thì ký ức” qua những tác phẩm thính phòng nổi bật. Khán giả có thể đã nghe đâu đó giai điệu của Alhambra (F.Tarrega), Serenata Espanola (J. Malats) hay Sonatia (F.M Torroba), nhưng “giọng” guitar của Lê Thu và Quang Vinh sẽ kể cho bạn những câu chuyện đó theo cách khác - cách của những người từng chinh phục nhiều giải thưởng cho nghệ sĩ trình diễn guitar cổ điển xuất sắc cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, một tác phẩm nhạc cách mạng và một tác phẩm chèo cổ do danh cầm Hải Thoại chuyển soạn, cũng sẽ được trình diễn trong “Thì ký ức”.


Lê Thu sinh năm 1978, là con gái duy nhất của cố nghệ sĩ guitar, họa sĩ Lê Hạnh. Lê Thu tốt nghiệp xuất sắc Học viện Âm nhạc Việt Nam năm 2001, sau 15 năm theo học và trở thành giảng viên của trường. Năm 2009, cô cùng gia đình sang Ấn Ðộ và chuyển tới New Dehli đầu năm 2010. 7 tháng sau, Lê Thu được Học viện Âm nhạc Bridge (Bridge Music Academy), trường dạy nhạc phương Tây hàng đầu tại đây, mời giữ chức Trưởng khoa Guitar.


Còn Quang Vinh là con trai của nghệ sĩ guitar Hải Thoại - một người thầy guitar của làng âm nhạc Việt Nam. Năm 1994, Quang Vinh tốt nghiệp Đại học Âm nhạc hệ chính quy tại Nhạc viện Hà Nội với số điểm tuyệt đối và được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Năm 1997, Quang Vinh thành lập lại CLB Guitar cổ điển và tổ chức sinh hoạt thường xuyên. Năm 2004, Quang Vinh thành công rực rỡ trên sân khấu Nhà hát Lớn, trong buổi biểu diễn guitar tại khán phòng lớn đầu tiên của Việt Nam. Năm 2005, Quang Vinh trở lại làm giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


Sự kết hợp của Lê Thu và Quang Vinh - hai nghệ sĩ “say” nghề từ thuở thơ ấu, dùng cả cuộc đời mình để chinh phục những mốc son của trình diễn guitar cổ điển - sẽ là một cơ hội hiếm hoi cho những ai muốn một lần thưởng thức guitar đẳng cấp và hiểu thêm về những đỉnh cao mà người chơi guitar có thể đạt được.

TÌM HIỂU VỀ ĐÈN LED SÂN KHẤU

Đèn LED có khá nhiều màu sắc như màu đỏ, xanh lá, xanh da trời, màu hổ phách... dễ dàng đáp ứng các nhu cầu về chiếu sáng.

Ánh sáng phát của đèn LED có màu sắc phụ thuộc vào chất liệu làm ra nó. Ví dụ như đèn LED màu đỏ được làm từ các thành phần hóa học như nhôm, gali, a-xen. Đèn LED màu trắng được tạo ra bằng cách bao phủ một lớp photphorơ màu vàng bên ngòai đèn LED xanh da trời.

Một bóng đèn LED công suất lớn có thể sản sinh ra lượng ánh sáng là 80 lumen (đơn vị quang thông), trong khi đó một bóng đèn sợi đốt tiêu chuẩn có công suất 60W có thể cung cấp lượng ánh sáng là 900 lumen. Điều đó có nghĩa là một bóng đèn LED công suất lớn chỉ có thể cung cấp lượng ánh sáng bằng 1/11 so với một bóng đèn sợi đốt 60W. Để có thể cung cấp đủ ánh sáng người ta phải sản xuất những cụm đèn LED, tuy nhiên thì tương lai vẫn thuộc về đèn LED khi mà những cải tiến đã nâng gấp đôi công suất chiếu sáng của loại đèn này trong 2 năm trở lại đây.

Lượng nhiệt sinh ra trong quá trình hoạt động của đèn LED cũng thấp hơn rất nhiều (gần như không đáng kể) so với các loại bóng đèn thông thường hiện nay, đó cũng chính là một trong những lý do khiến đèn LED tiết kiệm điện năng hơn các loại bóng khác.
Cũng giống như tất cả các loại bóng đèn khác, hiệu năng của đèn LED được đo bằng công thức lumen/Watt. Loại đèn LED ánh sáng trắng ấm có hiệu năng vào khỏang 25-44 lumens/watt trong khi đó loại LED ánh sáng trắng lạnh có hiệu năng tốt hơn 47-64 lumens/watt, còn loại bóng đèn huỳnh quang thông thường được sử dụng trong các gia đình có hiệu năng thấp hơn với 10-18 lumens/watt.

Đèn LED không sử dụng nguồn điện xoay chiều 220V thông thường mà chỉ sử dụng dòng điện một chiều với hiệu điện thế nhỏ nên thường có bộ lọc và bộ điều khiển đi kèm.
Nguyên tắc hoạt động khác với các loại đèn sợi đốt hay đèn huỳnh quang khiến cho tuổi thọ của đèn LED cao hơn. Trong điều kiện phòng thí nghiệm tuổi thọ trung bình của một bóng den LED có thể đạt tới 100.000 giờ họat động và trong điều kiện thực tế cũng đạt tới con số đáng khâm phục là 60.000 giờ chiếu sáng.

Hiện đã có những cải tiến đáng kể về công nghệ sản xuất đèn LED mà tiêu biểu là sự ra đời của OLED - đi ốt phát sáng hữu cơ, loại đèn LED có chứa các bon này thậm chí còn tiêu thụ điện năng ít hơn loại đèn LED đang phổ biến hiện nay. OLED được sử dụng làm "nguồn sáng toả" - tia sáng từ một điểm toả đến mọi phương với cường độ giảm theo khoảng cách.

Bên cạnh đó đèn LED còn có những ưu điểm khác như khi hoạt động không sinh ra các tia hồng ngoại hay tia cực tím. Những ưu điểm của loại đèn này là không thể phủ nhận, những thiết kế với nhiều phong cách khác nhau đã và đang biến đèn LED trở thành một trào lưu mới trong trang trí nội thất hiện nay.