Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

SÂN KHẤU KỊCH : ĐỎ MẮT TÌM DIỄN VIÊN

Sự thiếu hụt trầm trọng của diễn viên sân khấu kịch

Một thực tế, nếu chỉ sống với các vai diễn trên sân khấu kịch, mức thu nhập của các kịch sĩ trẻ không thể bì với nghệ sĩ các sân khấu ca nhạc, thời trang, phim ảnh…. Nghề diễn viên kịch nói khó làm giàu so với các mảng giải trí khác là một trong những lý do khiến các sân khấu kịch nói tại TP Hồ Chí Minh nhiều lúc khó khăn về nguồn diễn viên.

Những diễn viên gạo cội vào những năm 80, 90 thế kỷ trước với các tên tuổi nghệ sĩ hình thành từ thời đó như nghệ sĩ Hồng Vân, Thành Lộc, Quốc Thảo, Minh Nhí, Việt Anh, Thanh Thủy… Hiện nay, dàn diễn viên trẻ chưa ai vượt qua được cái bóng của những nghệ sĩ bậc thầy này. Nghệ sĩ Bảo Chung nhận xét, lĩnh vực sân khấu ở TP. Hồ Chí Minh đang có chiều hướng đi xuống cả về chất lượng và số lượng khán giả, đó là điều có thể nói là đáng báo động đối với những người làm nghề. Có nhiều nguyên nhân như độ phủ sóng của kịch nói trên các kênh truyền hình (trừ hài kịch) càng ngày càng giảm; thiếu vở diễn đặc sắc để các diễn viên trẻ làm nên tên tuổi; thu nhập của diễn viên kịch nói chỉ có thể gọi là đủ sống nên các diễn viên còn phải làm thêm nhiều công việc khác, chạy show liên tục làm giảm sút sự đầu tư vào các vai diễn… Nếu không có sự đam mê với nghề thì nhiều nghệ sĩ đã không thể trụ lại được trên sân khấu và sự biến động về nhân sự luôn là khó khăn mà nhiều sân khấu kịch thường xuyên đối mặt.
 

Hiện nay có quá ít sinh viên theo nghề


Nếu đầu vào tuyển sinh 20-30 em nhưng con số sau khi tốt nghiệp theo nghề thì chỉ còn 1-2 người. Do đó, để chủ động với sức ép nhân lực, giải pháp các sân khấu lớn hiện nay đang làm là mở các "lò” để tự đào tạo nguồn diễn viên theo kiểu truyền nghề. Nghệ sĩ trẻ Mạnh Phúc- học viên khóa đầu tiên của sân khấu kịch Phú Nhuận cho biết, học tại đây từ năm 2 các bạn đã được tham gia diễn nhiều vai trên sân khấu nên khi tốt nghiệp thì hoàn toàn tự tin trong diễn xuất. Các môn kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hóa trang, hình thể…các bạn được học với sự dạy bảo của các nghệ sĩ Hữu Châu, Minh Nhí, Quốc Thảo. Tương tự vậy, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi vừa khai trương hai sân khấu kịch Cà phê KC ở trên đường Phạm Ngọc Thạch và đường Quang Trung cũng phải mở lớp đào đạo để xây dựng đội ngũ diễn viên nhằm đáp ứng nhu cầu diễn viên cho sân khấu.

Mỗi sân khấu có một đối tượng khán giả riêng và có "gu” diễn xuất riêng, như sân khấu kịch Phú Nhuận chuyên về các vở kịch kinh dị, sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyên về các vở diễn tâm lý nên việc các sân khấu chú trọng việc đào tạo lớp diễn viên trẻ phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của từng sân khấu còn được xem như việc sống còn của sân khấu. Nghệ sĩ Bảo Chung cho biết sắp tới anh và Sân khấu kịch Phú Nhuận triển khai dự án sân khấu kịch tiếng Anh dành cho đối tượng là người nước ngoài.
 
Theo báo VN.Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét